Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không để nguồn cung thiếu hụt nếu muốn giảm giá thịt lợn

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để giảm giá thịt lợn đòi hỏi phải giải quyết vấn đề cung - cầu theo hướng thực hiện tốt việc tái đàn, nhập khẩu thịt lợn bù đắp phần thiếu hụt. Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại Họp báo do Bộ Công Thương tổ chức chiều 15/5.

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy so với 2018, năm 2019 đã thiếu 20 - 21% tổng đàn lợn cũng như sản lượng thịt cung cấp cho thị trường; 3 tháng đầu năm 2020, lại tiếp tục giảm thêm 20% so với cùng kỳ năm 2019.
Người tiêu dùng mua thịt lợn tại siêu thị Vinmart Phạm Ngọc Thạch

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, giải pháp tối ưu bền vững, cơ bản nhất và tạo công ăn việc làm cho người chăn nuôi, là phải tái đàn. Tuy nhiên, không thể một lúc có thể bù đắp được lượng thiếu bởi giá lợn giống cũng lên tới 2,5 - 3 triệu/con nên nhiều hộ chăn nuôi không đủ vốn để tái đàn, ngoài ra hiện còn khoảng 17 - 18 tỉnh địa phương chưa công bố hết dịch nên nguồn cung lợn thịt cho thị trường rất thiếu.
“Theo tính toán của các địa phương, từ nay đến cuối năm nếu dịch bệnh không tăng đột biến thì lượng lợn cung cấp ra mới tương đương trước khi có dịch. Như vậy từ nay đến cuối năm vẫn thiếu nguồn cung, trong về cầu thì càng tăng”, Thứ trưởng Bộ Công Thương nêu rõ.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, hiện Bộ Công Thương chỉ đạo Thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài tìm đầu mối nhập khẩu thịt lợn đảm bảo về giá cả, chất lượng. Ngoài ra, cho phép doanh nghiệp nhập khẩu không cần qua Bộ Công Thương làm thủ tục, mà chỉ qua Bộ NN&PTNT, Cục thú y và Chi cục thú y vùng để làm giấy phép và đến cơ quan hải quan làm thủ tục nhập khẩu.
“Để tránh tình trạng nhập khẩu thịt lợn tràn lan, Bộ Công Thương cũng phải tính toán nguồn cung thịt lợn trong nước từng tháng đáp ứng được bao nhiêu %, số lượng thiếu mới cho phép nhập khẩu qua đó bảo vệ người chăn nuôi trong nước”, ông Đỗ Thắng Hải chia sẻ.
Thực tế cho thấy, Bộ Công Thương cũng đang phối hợp với các nhà phân phối, hệ thống siêu thị để tổ chức chương trình khuyến mại, bình ổn giá mặt hàng thịt lợn. 
Người tiêu dùng mua thịt lợn tại chợ Nam Đồng

Nói về việc giải quyết vấn đề cung cầu mặt hàng thịt lợn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga cho biết, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo 389 và các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống kênh phân phối, cung ứng, lò mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thịt lợn tính từ cửa trại, cửa chuồng của doanh nghiệp, người chăn nuôi đến doanh nghiệp, siêu thị, người bán... cung ứng cho người tiêu dùng để làm rõ những bất cập, hạn chế tác động tiêu cực đẩy giá lợn hơi lên cao.
Đồng thời, khuyến khích, yêu cầu các doanh nghiệp phân phối, bán buôn, bán lẻ, các siêu thị triển khai chương trình bình ổn mặt hàng thịt lợn. Mở rộng cung ứng ra thị trường bán lẻ từ nguồn thịt lợn nhập khẩu từ các cơ sở sản xuất trong nước và đơn vị nhập khẩu, định hướng người tiêu dùng tiêu thụ sản phẩm thịt từ nguồn nhập khẩu.