Bước chuyển mạnh mẽ của ngành nông nghiệp đã góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho người nông dân trên địa bàn Hà Nội. Tính đến nay, thu nhập bình quân đầu người nông dân đã đạt khoảng 47 triệu đồng/năm.
Cùng với đó, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn cũng liên tục giảm qua các năm, hiện ở mức 1,8%. Dù vậy, đời sống kinh tế của người dân khu vực nông thôn tại các huyện, thị xã hiện chưa đồng đều. Trong khi một số địa phương có mức thu nhập theo đầu người cao như Thạch Thất, Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh… thì tại nhiều địa phương vùng xa như Ứng Hòa, Mỹ Đức, Ba Vì, thu nhập mới chỉ dừng ở khoảng 38 – 39 triệu đồng/người/năm. Kéo theo đó là tỷ lệ hộ nghèo còn tương đối cao, điển hình là: Ba Vì (3,1)%, Mỹ Đức (2,8%), Chương Mỹ (2,4%)…
Để hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo, bên cạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ cụ thể, thiết thực. Từ năm 2016 đến nay, TP đã tạo việc làm mới cho trên 533.143 lao động. Xét duyệt cho vay vốn từ các tổ chức tín dụng đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách với số tiền trên 2.952 tỷ đồng. Đồng thời đưa gần 10.000 người đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng.
Đáng chú ý, TP đã khai trương và đưa vào hoạt động 8 điểm giao dịch việc làm và 5 sàn giao dịch việc làm vệ tinh. Tổ chức 510 phiên giao dịch việc làm (định kỳ, chuyên đề, online…), cho trên 75.000 lao động tiếp cận công việc. Ngoài hỗ trợ việc làm, Hà Nội còn trợ cấp thất nghiệp cho 156.039 người với số tiền trên 2.419 tỷ đồng. Nhờ đó, tỷ lệ thất nghiệp chung của Hà Nội đã giảm chỉ còn khoảng 1,9%. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên lên tới 98,6%.
Dù đã có nhiều nỗ lực và đạt được một số kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo, tuy nhiên, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng, để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 1,5% vào năm 2020, ngành nông nghiệp nói riêng, TP nói chung cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp.
Theo đó, thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến công, đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình giảm nghèo và giải quyết việc làm cho người nông dân. Đặc biệt là nghiên cứu, xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hệ thống dịch vụ nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp – dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp.