Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không để tái lấn chiếm đất nông nghiệp ở phường Phúc La

Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần 1000m2 đất nông nghiệp tại khu Điện tín (khu giáp ranh quận Hà Đông và huyện Thanh Trì) trải qua các thời kỳ bị lấn chiếm; Vừa qua các cấp chính quyền cơ sở thực hiện cưỡng chế, tuy nhiên, sau đó còn xảy ra trường hợp cố tình tái phạm. Về vấn đề này, lãnh đạo phường Phúc La khẳng định, kiên quyết xử lý không để bất cứ trường hợp nào tái lấn chiếm…

Cưỡng chế gần 1000m2 đất lấn chiếm
Qua tìm hiểu được biết, khu đất Điện tín là đất nông nghiệp do HTX Yên Phúc quản lý với diện tích khoảng 3ha. Tuy nhiên, qua quá trình quản lý và sử dụng, tại khu đất này nhiều người đã san lấp, lấn chiếm diện tích khoảng 700 - 900m2 để xây nhà ở, lều lán…
 Tường bao được xây chống tái lấn chiếm tại khu đất.(ảnh: Đạt Lê).
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, ngày 29/7/2016, UBND phường Phúc La (quận Hà Đông) và UBND xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) đã phối hợp tổ chức cưỡng chế, phá dỡ các công trình xây dựng trái phép, chiếm đất tại khu vực Điện Tín nói trên. Theo đó, các công trình vi phạm chiếm đất nông nghiệp và xây dựng trái phép bị cưỡng chế, phá dỡ là 16 công trình cấp 4 có tổng diện tích xây dựng là 722,38m2. Trong đó, diện tích công trình thuộc địa giới hành chính phường Phúc La là 629,78m2, diện tích công trình thuộc địa giới hành chính xã Tân Triều là 92,6m2 xây dựng liền sát nhau.
Có 14 công trình cấp 4 bị cưỡng chế phá dỡ theo Quyết định của Chủ tịch UBND quận Hà Đông ban hành ngày 15/6/2016; 2 công trình cấp 4 của hộ ông Hoàng Văn Tới đã có quyết định cưỡng chế của Chủ tịch UBND quận Hà Đông ban hành ngày 11/12/2012 và ngày 20/3/2013; 5 công trình vi phạm nằm ráp gianh đã có quyết định cưỡng chế phá dỡ ngày 25/6/2016 của Chủ tịch UBND xã Tân Triều (huyện Thanh Trì). Quá trình cưỡng chế đã được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, đảm bảo tuyệt đối an toàn về người và tài sản. Ngay sau khi hoàn thành cưỡng chế, toàn bộ mặt bằng thuộc địa giới hành chính phường Phúc La đã được giao cho HTX Yên Phúc xây tường bao để quản lý.
 Những hàng cây xanh đầu tiên được trồng tạo cảnh quan khu vực.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, nhiều người dân địa phương bày tỏ sự phấn khởi về việc thực thi cưỡng chế giải tỏa khu vực đất lấn chiếm. Ông Nguyễn  Văn H. (người dân khu vực) chia sẻ : “Tôi sinh sống mấy chục năm qua tại khu vực này. Vấn nạn lấn chiếm đất khu Điện tín này rất nhức nhối, phát sinh tệ nạn xã hội. Việc thực hiện cưỡng chế giải tỏa việc lấn chiếm đất nông nghiệp của các cấp chính quyền quận Hà Đông vào tháng 7 vừa qua thể hiện rõ sự nghiêm minh của pháp luật. Người dân rất vui mừng vì giải tỏa được “xóm liều” ở nơi đây”.
Không để bất cứ trường hợp nào tái lấn chiếm
Trước một số thông tin của người dân về việc có trường hợp cố tình xây dựng tái lấn chiếm đất đông nghiệp sau cưỡng chế, ông Nguyễn Đức Tiến - Chủ tịch UBND phường Phúc La cho biết: “Ngay sau khi thực hiện cưỡng chế xong. Để bảo đảm việc tái lấn chiếm không diễn ra UBND quận Hà Đông đã giao cho HTX Yên Phúc cùng với UBND phường Phúc La thực hiện xây tường bao che chắn toàn bộ diện tích khu đất giáp danh với khu dân cư thôn Yên Xá, xã Tân Triều”.
 Cảnh quan môi trường khu vực đã được cải thiện rõ rệt. (ảnh: Đạt Lê).
Cũng theo ông Tiến chia sẻ, sau cưỡng chế đã có một trường hợp lợi dụng đêm, ngày nghỉ xây quây tường một phần diện tích nhỏ nhằm tái lấn chiếm. Tuy nhiên, lực lượng chức năng của phường đã phát hiện kịp thời cùng phối hợp với HTX Yên Phúc xử lý ngay. “Đến nay, sau hơn 2 tháng, phường luôn giám sát chặt, không để bất cứ trường hợp nào tái lấn chiếm tại khu vực này. Hiện HTX Yên Phúc đã cho trồng một số cây xanh dọc theo tường bao ngăn cách nhằm chống tình trạng lấn chiếm”. – Ông Tiến khẳng định.
Đề cập về công tác quản lý, chống tái lấn chiếm đất sau cưỡng chế, bà Đỗ Thị Dung - Giám đốc HTX Yên Phúc cho biết: “Đây cũng là vấn đề được đặt lên hàng đầu của HTX. Có được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp chính quyền quận Hà Đông, ngay sau khi cưỡng chế và được bàn giao, HTX đã tiến hành xây tường bao xung quanh khu đất và san lấp mặt bằng để tiếp tục sản xuất”.
Bà Dung cho biết thêm, do khu vực này lồi lõm, nhiều hố trũng do vậy trước mắt, HTX đã tiến hành dùng máy ủi, máy xúc san lượng trạc từ việc cưỡng chế nhà của 16 hộ, những mô đất để lấy mặt bằng. Toàn bộ kinh phí cho việc san lấp mặt bằng được lấy từ kinh phí của HTX. “Tới đây, để phát huy hiệu quả của việc sử dụng đất, chúng tôi đang xây dựng đề án gửi các cấp chính quyền để phát triển sản xuất theo đúng mục đích. Theo đó sẽ phát triển khu vực này thành điểm trồng hoa, cây cảnh, cây xanh,… vừa giúp bà con xã viên có công ăn việc làm, đồng thời tạo cảnh quan môi trường trở nên xanh - sạch - đẹp”.