Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không để thiếu thực phẩm

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn 9 tháng bùng phát, dịch tả lợn châu Phi đã khiến trên 5,7 triệu con lợn bị tiêu hủy. Nguồn cung mặt hàng này cũng giảm khoảng 8,5%. Làm thế nào để bảo đảm thực phẩm cho những tháng tới trong bối cảnh dịch bệnh này chưa được khống chế là vấn đề đặt ra đối với ngành nông nghiệp.

Chăn nuôi lợn tại Hợp tác xã Hoàng Long, huyện Thanh Oai. Ảnh: Lâm Nguyễn
Quản chặt phương án bù thịt lợn
Thực tế, từ thời điểm dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại Việt Nam, nguy cơ thiếu hụt thịt lợn, nhất là vào những tháng cuối năm khi nhu cầu tiêu dùng thực phẩm Tết tăng cao đã được nhận diện. Theo đó, đầu tháng 3/2019, Bộ NN&PTNT đã xác định, đi đôi với tích cực ứng phó với dịch bệnh, cần tập trung tăng cường sản xuất các nhóm sản phẩm thay thế, trọng tâm là gia súc, gia cầm và thủy sản.
Bộ NN&PTNT cũng xác định rất rõ 3 nguyên tắc khi phát triển các mô hình sản xuất nhằm thay thế một phần thịt lợn thiếu hụt. Theo đó, chủ trương đặt ra là phải đảm bảo an toàn dịch bệnh; tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết an toàn thực phẩm với sự tham gia của các hợp tác xã, DN cùng người dân; đồng thời cân bằng cung – cầu thị trường, không phát triển ồ ạt, thiếu kiểm soát. Nhờ triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp, trong 10 tháng năm 2019, tổng đàn gia cầm đã tăng khoảng 12% với sản lượng thịt trên 1 triệu tấn. So với cùng kỳ năm 2018, nuôi trồng và khai thác thủy sản có bước tiến tích cực với sản lượng đạt gần 7 triệu tấn, tăng 5,3%. Trong khi đó, sản lượng thịt từ nhóm đại gia súc (chủ yếu là bò) cũng tăng khoảng 2,4%. Cùng với đó, từ đầu năm 2019 đến nay, người chăn nuôi cả nước đã sản xuất được khoảng 13 tỷ quả trứng cung ứng cho thị trường.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, với việc dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế, nguồn cung thịt lợn thời gian tới nhiều khả năng sẽ bị thiếu hụt. Tuy nhiên, sự phát triển tương đối tốt hiện nay của những nhóm thực phẩm thay thế kể trên, Việt Nam nhiều khả năng sẽ không rơi vào tình trạng khủng hoảng thiếu thực phẩm. 
Không tăng đàn, tái đàn “vô lối”
Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp giúp giảm thiểu tối đa khả năng thiếu hụt thực phẩm nói chung trong thời gian tới. Tuy nhiên, trước đòi hỏi về nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng, việc nghiên cứu giải pháp bù đắp thịt lợn là vấn đề quan trọng. Theo đó, Bộ NN&PTNT chủ trương sẽ tăng đàn, tái đàn tại những vùng an toàn dịch bệnh. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, dịch tả lợn châu Phi hiện đã giảm xuống đáy của chu kỳ dịch bệnh. Việt Nam đang sẵn có các mô hình về quản trị chăn nuôi đảm bảo an toàn, cùng đàn giống hạt nhân 109.000 con. Do đó, Bộ sẽ tập trung chỉ đạo các địa phương, tổ chức, DN, hợp tác xã cùng bà con nông dân tăng đàn ở những vùng chăn nuôi an toàn sinh học. “Bộ chủ trương không tái đàn lợn một cách vô lối, vô nguyên tắc để rồi lại phải chấp nhận rủi ro lần thứ hai” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Nhằm bảo đảm nguồn cung thực phẩm trong những tháng cuối năm 2019, đầu năm 2020, Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, theo dõi sát diễn biến thị trường và tiêu thụ, tránh tình trạng “găm hàng” khiến giá thịt lợn tăng cao. Đồng thời hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh quy mô sản xuất và tăng trưởng chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm, thủy hải sản nhằm đa dạng hóa nguồn cung thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.