Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không dễ xóa bỏ hiện tượng công chức “vô cảm”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chất lượng công chức, viên chức có vấn đề, bộ máy cồng kềnh khó tinh giản, đó là những vấn đề được các ĐB Quốc hội "xoáy" vào trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, ngày 18/11.

Bổ nhiệm nhiều cấp phó gây lãng phí

Nêu ra vấn đề cử tri rất nhiều lần phản ánh là "lạm phát" cấp phó kéo dài ở tất cả các cấp từ T.Ư đến địa phương, ĐB Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) đặt vấn đề: Một trong những nguyên nhân làm cho bộ máy cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả lãng phí, không đúng quy định của Chính phủ về số lượng cấp phó. Và đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về vấn đề này cũng như giải pháp tới đây thế nào?".
 
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Thông tin khá chi tiết về các quy định quanh vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, "không để tình trạng này kéo dài. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ đang hoàn thiện sửa đổi để quy định Bộ nào mấy Thứ trưởng, sau này không có sự bàn cãi. Còn tất cả chức danh cấp phó còn lại đều quy định "cứng" cả rồi". Bộ trưởng cũng đồng tình với các ĐB về việc bổ nhiệm quá nhiều cấp phó gây lãng phí, không được sự đồng thuận trong xã hội. Giải pháp cho vấn đề này được Bộ trưởng cho biết, sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra nếu có sai thì kiến nghị xử lý.

Cũng nêu ra một thực trạng đáng buồn trong hệ thống cơ quan Nhà nước, ĐB Đỗ Văn Đương (đoàn TP Hồ Chí Minh) lại chất vấn trước việc người có năng lực thì không vào làm Nhà nước, có vào rồi cũng đi, trong khi bộ phận không có năng lực thì ngày càng nhiều. "Vì sao số công chức tận tâm với công việc, có sáng tạo ngày càng ít, số "dạ vâng" và ham muốn làm lãnh đạo ngày càng nhiều?" - ĐB Đỗ Văn Đương đặt câu hỏi. 

Cho rằng đây là một câu hỏi khó, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình chỉ trả lời chung: Có nhiều nguyên nhân như sử dụng cán bộ công chức, viên chức chưa đúng phẩm chất năng lực. Cơ chế thưởng phạt chưa nghiêm. Chế độ đánh giá chưa đổi mới, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu… Bộ trưởng cũng thông tin, vừa qua, Bộ Chính trị đã giao Bộ Nội vụ xây dựng đề án tạo nguồn cán bộ từ sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ. Bộ đã bắt tay xây dựng đề án trình phê duyệt, để từ nay đến năm 2020 có thể  tuyển 1.000 sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ vào cơ quan của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang. Bộ trưởng khẳng định, đây là một bước đột phá trong công tác thu hút người tài. 

Làm sao tuyển được người tài?

Cũng liên quan đến chất lượng công chức, trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) về tình trạng xuống cấp đạo đức, nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ công chức, viên chức và đặc biệt là căn bệnh “vô cảm”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ thừa nhận đúng là có hiện tượng “vô cảm” trong giải quyết công việc. Mong muốn của Đảng, Nhà nước, Nhân dân đòi hỏi phải có sự đồng cảm giữa cán bộ công chức của các cơ quan công quyền để giải quyết công việc cho người dân. Tuy nhiên, trong tình hình thực tế thực hiện mong muốn này rất khó bởi nó thuộc phạm trù đạo đức, trong khi các văn bản pháp luật chỉ điều chỉnh có mức độ đối với vấn đề này. Song, theo Bộ trưởng, cán bộ công chức trước hết phải thực hiện đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ của mình trong thực thi công vụ. 
Đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TP Hồ Chí Minh) chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TP Hồ Chí Minh) chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Nhiều ĐB cho rằng, chính sách thi tuyển công chức, viên chức mang tính hình thức, không tuyển được người thực tài, mà lại tạo ra nhiều tiêu cực. ĐB Nguyễn Thanh Hải (đoàn Hòa Bình) đưa ra trường hợp tiến sĩ tốt nghiệp ở Pháp trượt viên chức tại trường THPT Hà Nội - Amsterdam để thấy rằng, cách tuyển dụng có những điểm bất hợp lý. Nhưng Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng chỉ đưa ra những quy định trong các nghị định đã ban hành và cho rằng, vấn đề tiêu cực trong thi tuyển công chức cần phải thường xuyên thanh, kiểm tra, và đặc biệt phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu và xử lý nghiêm vi phạm. Nếu làm tốt vấn đề này thì chắc chắn sẽ giảm sai phạm.

Kết lại phần chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét: Có bộ phận cán bộ theo tinh thần của Đảng là "không nhỏ" có nhiều sa sút, tài và đức chưa đáp ứng được yêu cầu. Do vậy, ngành nội vụ phải tiếp tục rà soát, để có được những đánh giá chính xác. Đi theo đó là chế độ thi, tuyển công chức, viên chức chặt chẽ trên tinh thần đổi mới để tránh được tình trạng bằng thật kiến thức giả.

 
Trả lời câu hỏi về chính sách tiền lương, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình hứa sẽ tiếp tục chỉnh lại đề án cải cách chính sách tiền lương để báo cáo cấp trên xem xét thông qua vào thời điểm thích hợp, khi có đủ điều kiện thực hiện.