Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không điều gì là quá sớm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, nhiều người vẫn thường tự quyết định mọi chuyện từ nhỏ đến lớn cho con, từ việc nhỏ - mặc gì, học gì, chơi với ai, đến lớn hơn là công việc, nghề nghiệp, các mối quan hệ xã hội và luôn cho rằng điều ấy là tốt, là giữ cho con được "an toàn trong vòng tay".

Nhưng các bậc cha mẹ lại quên một điều, bố mẹ không thể theo con đến hết cuộc đời, đến một lúc nào đó, trẻ phải tự đưa ra quyết định cho cuộc sống của mình. Và không ít trường hợp, những đứa trẻ lớn lên trong sự bao bọc thái quá ấy đã bị choáng ngợp, không thể tự quyết định được những vấn đề liên quan đến bản thân dù là nhỏ nhất hoặc không biết cách chịu trách nhiệm trước quyết định của mình.
Không điều gì là quá sớm - Ảnh 1
Từ thực tế ấy, nhiều nhà tâm lý cho rằng, không có lý do gì khiến chúng ta không khuyến khích trẻ thực hiện việc suy nghĩ cẩn thận về ảnh hưởng của những quyết định mà mình đưa ra với cuộc sống của bản thân trẻ và mọi người xung quanh. Chúng ta nên thảo luận để trẻ đưa ra giải thích tại sao trẻ lại chọn cái này mà không chọn cái kia. Nên cởi mở, thẳng thắn để trẻ dễ dàng bộc lộ quan điểm, vì nếu không, trẻ sẽ nghĩ là chúng ta đang phê phán những quyết định ấy. Trò chuyện thoải mái cũng như một hình thức trao đổi kinh nghiệm trực tiếp, sẽ giúp trẻ biết cách đánh giá kỹ trước những chọn lựa. Đây là một quá trình cần phải thực hiện xuyên suốt trong mọi hoàn cảnh, mọi lúc, mọi nơi khi cần phải đưa ra quyết định.

Cũng như bất cứ kỹ năng nào khác, việc ra quyết định và chịu trách nhiệm cho quyết định ấy không phải chỉ "đào tạo" một sớm, một chiều, mà cần phải học từ nhỏ và trưởng thành cùng trẻ. Bắt đầu từ những quyết định nhỏ để tập dần lòng tự tin và tạo kỹ năng đưa ra quyết định cho trẻ như lựa chọn món ăn, đồ vật... Những chọn lựa này thường không quan trọng, nhưng sẽ tạo cho trẻ những kinh nghiệm đầu tiên về kỹ năng đưa ra quyết định. Thực hiện các lựa chọn này nhiều lần sẽ giúp trẻ tự tin hơn trong việc đưa ra quyết định lớn hơn trong cuộc sống sau này. Nhưng một điểm đặc biệt cần lưu ý, nên tập cho trẻ thói quen không chỉ nghĩ đến mình, mà phải quan tâm đến người khác trong quá trình chọn lựa, quyết định, đặc biệt là đối với cha mẹ, anh chị em, bởi đây là một phần không thể thiếu trong đời sống gia đình. Khi trẻ có lựa chọn sai lầm, cũng nên giúp chúng bớt lo lắng và để trẻ có cái nhìn lạc quan hơn. Thực tế cũng chỉ ra rằng, những đứa trẻ biết đưa ra những quyết định đúng cũng là những đứa trẻ tự lập và có khả năng phát triển nhân cách toàn diện và không có điều gì là quá sớm.