Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không đơn thuần “chỉ ở”

Đức Dinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc minh bạch hóa quy trình mua, thuê mua NƠXH, bổ sung số mét vuông sàn cho thị phần này bằng hình thức tập trung…của TP Hà Nội đang được đánh giá là hướng đi cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung nhà ở cao cấp, hạng sang vượt ngưỡng nhu cầu của số đông người tiêu dùng.

 Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, công tác quy hoạch phải lựa chọn vị trí thích hợp với đối tượng và có ý kiến đồng thuận của người dân trong nhóm đó để tránh tình trạng xây rồi không sử dụng.

Thay vì nằm đan xen trong các khu đô thị, Hà Nội có chủ trương xây dựng thí điểm NƠXH tập trung tại Đông Anh với hạ tầng và dịch vụ đầy đủ. Ông nhận định như thế nào về hướng đi này?

- Phát triển NƠXH nói riêng hiện đã trở thành nhu cầu cấp bách tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Việc phát triển NƠXH cũng nằm trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030.
Phải khẳng định rằng, trong sự phát triển hiện nay với nhân lực lao động lớn, chiến lược phát triển nhà ở tập trung vào NƠXH là hợp lý. Quan trọng hơn, nhà ở thương mại mang tính chất kinh doanh hiện nay có những khó khăn, biến đổi. Lần này, Hà Nội tập trung phát triển NƠXH là hợp lý. Tuy nhiên, để giải quyết nhu cầu NƠXH và những tồn tại của giai đoạn vừa qua cần chú ý đến nguyên tắc: Phát triển NƠXH phải "hướng về người dân” chứ không phải là “hướng về nhà ở”.

Mô hình NƠXH tập trung đã được các nước trên thế giới kiến tạo thành công chưa, thưa ông?

- Mô hình phát triển NƠXH dạng đầu tư xây dựng tập trung, thuộc hình thức phát triển NƠXH theo dự án, do DN đầu tư xây dựng cho tới sản phẩm hoàn chỉnh cuối cùng là nhà ở dạng căn hộ chung cư. Mô hình có hai dạng: Đầu tư xây dựng bằng một phần hoặc toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước; đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách để cho thuê, thuê mua và bán.

Mô hình này đã được các nước phát triển đặc biệt chú trọng. Họ phát triển theo hướng tập trung nhưng tổ chức đồng bộ hoá hạ tầng kỹ thuật, xã hội. Dựa theo các thống kê xã hội học về dân số, thu nhập nghiên cứu đã dự báo đến giai đoạn 2018 - 2020, Việt Nam sẽ có sự bùng nổ về phát triển NƠXH. Đây là một ngưỡng về phát triển NƠXH mà xã hội phải vượt qua, đồng thời là cơ hội ngành xây dựng phải nắm lấy. Phát triển NƠXH phải đi trước, là yếu tố tạo lập các khu nhà ở, khu đô thị mới.

Ông có thể chia sẻ rõ hơn về nguyên tắc phát triển NƠXH “hướng về người dân”?

- Thứ nhất, về quy mô và đối tượng cho NƠXH rất đa dạng (10 loại đối tượng khác nhau). Cho nên, việc xây dựng nguyên tắc có tính đột phá cần lựa chọn đối tượng thích hợp để tổ chức không gian hợp lý. Mô hình nhà ở cho công nhân thuê, mua không thể “bê nguyên xi”cho công nhân, viên chức.

Thứ hai, để giải quyết tính hợp lý của NƠXH trước hết phải có quy hoạch chuyên ngành. Mỗi một đối tượng cần có địa điểm, không gian sống thuận lợi để làm việc. Công tác quy hoạch phải lựa chọn vị trí thích hợp với đối tượng và có ý kiến đồng thuận của người dân trong nhóm đó. Nếu không sẽ còn tình trạng những khu NƠXH xây rồi lại đề xuất đập đi, nhà cho sinh viên nhưng không có sinh viên ở.

Thứ ba, cần có tầm nhìn xa để đảm bảo phát triển bền vững. NƠXH không đơn thuần “chỉ ở”, nó phải được tiếp cận một cách tổng thể trọn vẹn, liền mạch theo chuỗi sản xuất; NƠXH không chỉ là sản phẩm của DN mà là sản phẩm của toàn xã hội và phải được đa dạng hóa phù hợp với thị trường rộng khắp trong cả nước. Do đó, cần đảm bảo hạ tầng xã hội, kỹ thuật và đặc biệt là các không gian giao tiếp công cộng. Nói đơn giản, cần nâng cao chất lượng sống cho đối tượng phân khúc này.

Cuối cùng, để giải quyết nguồn lực cho NƠXH, Nhà nước cần có cơ chế ưu tiên. Trước đây, có cơ chế 30.000 tỷ đồng nhưng chưa huy động được các DN tham gia. Vậy nên chăng, lần này phải chú trọng cân đối lợi ích cho các nhà đầu tư, không chỉ ở khu vực họ xây dựng mà cả những dự án đầu tư chung của TP Hà Nội. Đặc biệt là quản lý chặt chẽ mục tiêu sử dụng trong khu vực nhà ở này. Bài học từ một số làng sinh viên xây dựng cho học sinh, sinh viên nhưng lúc cần lại chuyển hóa thành khu vực kinh doanh dịch vụ thương mại là không hợp lý.

Xin cảm ơn ông!