Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không được biến trang thông tin thành tờ báo điện tử trá hình

Nguyễn Ngọc Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 24/10, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Học viện An ninh nhân dân và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Mạng xã hội trong bối cảnh phát triển xã hội thông tin ở Việt Nam”.

Bàn về mạng xã hội, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ cho biết, đời sống con người hiện nay ngày càng gắn chặt vào các thiết bị công nghệ. Smartphone và mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu của rất nhiều người, nhất là giới trẻ, doanh nhân, công nhân viên chức.

 

Cùng với sự ra đời của báo điện tử, mạng xã hội, các phương tiện truyền thông khác trên Internet, các thể loại báo chí khác như báo in, phát thanh, truyền hình suy giảm rất nhanh. Tại Việt Nam, chiều hướng đi xuống của báo giấy cũng thể hiện rõ. Một số tờ báo in buộc phải cắt giảm số lượng bản in, thậm chí dừng hoạt động do thua lỗ. Nhiều tờ báo in bị giảm mạnh thu nhập quảng cáo. Truyền hình và phát thanh sau một thời gian dài có sự tăng trưởng đáng ngưỡng mộ thì nay cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức.

Việc sử dụng các trang mạng xã hội, báo chí, các loại hình thông tin khác trên Internet là một xu thế không thể phủ nhận. Hiện nay, các phương tiện truyền thông trên Internet tại Việt Nam đang là vấn đề, là thị trường hấp dẫn ở nhiều góc độ của các thế lực, các doanh nghiệp nước ngoài. “Điều đáng lo ngại là càng ngày, phía nước ngoài càng gia tăng chi phối, tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực này.”
 PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam – phát biểu tại Hội thảo.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cũng nhận định: Điểm yếu của Việt Nam hiện nay là chưa rà soát hiệu quả các sản phẩm, website của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Điều này đã tạo ra khoảng trống để các thế lực phản động lợi dụng đưa thông tin sai lệch, kích động, phá hoại Nhà nước, ảnh hưởng nghiệm trọng đến an ninh tư tưởng, văn hóa của nước ta, tác động xấu đến công chúng, đặc biệt là giới trẻ.

Để tiếp tục đứng vững và phát triển trước sự cạnh tranh từ truyền thông xã hội, truyền thông công dân, báo chí, phát thanh, truyền hình chính thống vẫn phải sử dụng nhiều hơn thế mạnh của mình là chất lượng thông tin, đặc biệt trong thời đại tin giả “fake news” đang bùng nổ như hiện nay. Không được biến trang thông tin thành tờ báo điện tử trá hình. Bên cạnh đó, cùng với việc khai thác, sử dụng tốt mặt tích cực của báo mạng điện tử, mạng xã hội và các phương tiện truyền thông trên Internet khác, cần xử lý nghiêm minh, kiên quyết một số mạng xã hội, website, blog vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục của đất nước. Cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, nhất là các quy định đối với doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh lĩnh vực Internet, viễn thông, báo chí tại Việt Nam.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Phong –Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương- cho rằng, mạng xã hội nếu được tranh thủ tận dụng thì chúng ta có lợi, nhưng nếu chúng ta phản đối nó thì sẽ không tận dụng được tiến bộ khoa học kĩ thuật thời đại.

Tổng kết Hội thảo, PGS.TS Phạm Huy Kỳ nhận xét: Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 20 bản tham luận khoa học của các nhà trong nước và quốc tế. Các tham luận tham gia tại Hội thảo cho thấy được bức tranh toàn cảnh về mạng xã hội ở Việt Nam và các nước trên thế giới qua nhiều cách tiếp cận khác nhau từ lý luận đến thực tiễn, thực trạng và giải pháp. Đây là tư liệu quý báu cho đề tài, giúp nhóm nghiên cứu đề tài hình dung rõ hơn các bước tiếp theo và tiến hành xây dựng mô hình quản lý thông tin trên mạng xã hội.