Sau gần 10 năm triển khai Quyết định 742/QĐ-TTg ngày 26/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ, hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đang dần được hình thành và đi vào hoạt động, bước đầu đạt được kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, cả nước có 10 Khu bảo tồn và Vườn quốc gia gồm: Bái Tử Long, Cát Bà, Vịnh Hạ Long, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Vịnh Nha Trang, Núi Chúa, Hòn Cau, Côn Đảo, Phú Quốc. Công tác bảo tồn biển được duy trì tạo điều kiện cho mục tiêu phát triển bền vững ngành thủy sản Việt Nam.
Tuy nhiên, việc triển khai quy hoạch, đưa vào hoạt động các khu bảo tồn biển còn chậm so với mục tiêu đề ra. Nguyên nhân chủ yếu do kinh phí cấp cho công tác bảo tồn biển còn hạn chế; hệ thống các quy định liên quan đến quản lý bảo tồn biển còn có sự thiếu đồng bộ. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương còn chưa được chủ động, thống nhất. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm, đầu tư đối với công tác bảo tồn biển; năng lực, kinh nghiệmcủa đội ngũ công chức, viên chức làm công tác bảo tồn còn nhiều hạn hạn chế.
Để đạt được những kết quả tốt trong thiết lập, quản lý hệ thống khu bảo tồn biển thời gian tới, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu được đề ra tại Nghị quyết 36-NQ/TW đối với lĩnh vực bảo tồn biển, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các tỉnh, TP ven biển xem đây là nhiệm chính trị quan trọng để tập trung chỉ đạo.
Thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, triển khai thực hiện Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫnthi hành Luật, đặc biệt là các nội dung liên quan đến quản lý khu bảo tồn biển. Ưu tiên bố trí nguồn lực cho các Khu bảo tồn biển hoạt động (cả nguồn lực về con người, tài chính, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị).
Bố trí lực lượng kiểm tra tại các khu bảo tồn biển để thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Đặc biệt là xử lý nghiêm các hành vi sử dụng xung điện, chất nổ, hóa chất cấm, chất độc, nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác hải sản.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng yêu cầu các địa phương tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật liên quan đến công tác quản lý khu bảo tồn biển. Đặc biệt là không giao mặt nước biển thuộc phạm vi quản lý của khu bảo tồn biển cho các tổ chức, cá nhân để xây dựng công trình trái với quy định của pháp luật. Sớm hoàn thiện hồ sơ, phê duyệt thành lập khu bảo tồn biển; tổ chức điều tra, khảo sát, rà soát mở rộng diện tích các phân khu chức năng của khu bảo tồn biển.
Tham mưu, xây dựng nhiệm vụ điều tra, khảo sát, đánh giá các khu vực biển tiềm năng để mở rộng, thành lập mới các Khu bảo tồn biển. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng ngư dân nhằm tạo nên sự chuyên biến tích cực về nhận thức của toàn xã hội đối với bảo tồn biển.