Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không “khoán trắng” cho doanh nghiệp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Để hàng Việt được nhiều người tin dùng, các ngành chức năng không nên "khoán trắng" cho doanh nghiệp (DN) mà cần có chính sách hỗ trợ, tạo liên kết trên thị trường.

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức ngày 7/9.
Không “khoán trắng” cho doanh nghiệp - Ảnh 1
Đưa hàng Việt tiêu thụ tại xã Tây Đằng, huyện Ba Vì.
Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội than phiền: Để hàng Việt đến tay người tiêu dùng (NTD), việc tổ chức những  chuyến đưa hàng về nông thôn là cần thiết, thế nhưng việc triển khai hoạt động này gặp nhiều khó khăn bởi chưa nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía chính quyền trong việc lựa chọn địa điểm bán hàng, đảm bảo an ninh trật tự… Bà Nguyễn Thị Hồng Hương, Tổng Giám đốc hệ thống siêu thị Vinatex Mart cho rằng: Chính sách hỗ trợ tiêu thụ hàng dệt may trong nước chưa hợp lý. Chẳng hạn DN dệt may kinh doanh ở thị trường nội địa phải nộp thuế, trong khi đó, một số DN tư nhân, hộ kinh doanh cá thể kinh doanh cùng mặt hàng lại không bị đánh thuế, nên sản phẩm của họ bán ra thường rẻ hơn của các công ty khoảng 10%.

Thực tế, việc đưa hàng Việt về nông thôn đã góp phần tạo mối liên kết giữa các DN và địa phương. Tuy nhiên, do kinh phí xúc tiến hạn chế; hệ thống phân phối tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa hoàn thiện nên các chuyến hàng vẫn chỉ được tổ chức theo kiểu "đánh nhanh, rút gọn". Khi các phiên chợ kết thúc để lại cho NTD khoảng trống, không biết mua hàng ở đâu, kết nối với DN bằng cách nào. Bên cạnh đó, một bộ phần người dân chưa có ý thức về thương hiệu hay khái niệm hàng Việt Nam chất lượng cao trong khi hàng Trung Quốc giá rẻ tràn lan, mẫu mã phong phú, gây khó cho DN tiêu thụ hàng Việt. Để hỗ trợ DN đẩy mạnh việc tiêu thụ hàng Việt, trong thời gian tới Nhà nước cần có chính sách giúp DN trong việc cải tiến công nghệ, tăng cường hệ thống giám sát chất lượng tiêu chuẩn sản phẩm sản xuất ở Việt Nam và nhập khẩu vào Việt Nam; Có chính sách kích cầu đầu tư như: miễn, giảm, giãn các loại VAT cho hàng hóa là tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng.

Tại Hội nghị, nhiều DN kiến nghị: Thành phố nên đẩy mạnh hoạt động liên kết công nghiệp, thương mại giữa Hà Nội với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; Đầu tư phát triển mạng lưới hạ tầng thương mại. Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường tăng cường hoạt động kiểm tra, xử phạt các hành vi buôn lậu, sản xuất hàng giả.