Đầu ra chưa… chuẩn
Phải thừa nhận, chất lượng của hệ ĐH tại chức ngày càng thấp, cả "đầu vào" lẫn "đầu ra". Hiện, nhiều trường ĐH chỉ coi hệ tại chức là nguồn "tận thu", nên dường như chỉ dạy cho xong chương trình để thu học phí. Còn học viên học như thế nào, chất lượng ra sao ít được quan tâm. Không ít sinh viên tại chức là học sinh phổ thông thi trượt ĐH và coi hệ đào tạo này như "cứu cánh" để tới đích có bằng ĐH…
Việc đào tạo hệ tại chức phải đúng chất lượng và nghiêm túc như hệ chính quy. Ảnh: Như Hùng
Tình trạng buông lỏng quản lý hệ tại chức đã diễn ra nhiều năm qua và vẫn chưa có tín hiệu gì mới trong năm học 2012 - 2013 này.GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Hiệu trưởng trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, trong chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra cho các trường chưa chuẩn, chưa rạch ròi về xếp hạng từng trường, thương hiệu của nhà trường là do xã hội công nhận.
Nhưng thực tế, "chất lượng đào tạo thật sự chưa đồng đều khi nhiều trường ĐH địa phương đào tạo sư phạm mới vừa được nâng từ trường CĐ sư phạm của tỉnh lên" - GS. TS Lộc thẳng thắn.
“Chặn” đầu ra?
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, trong tương lai, Bộ sẽ giảm dần chỉ tiêu đối với hệ đào tạo tại chức từ 50% so với hệ chính quy xuống khoảng 20%. Khi Luật Giáo dục Đại học có hiệu lực từ năm 2013, các trường ĐH định hướng nghiên cứu sẽ không được đào tạo hệ tại chức.
Song, theo GS Nguyễn Minh Thuyết, vấn đề quan trọng là cần thay đổi cách thức, nội dung đào tạo phù hợp và việc đánh giá chất lượng đào tạo phải làm nghiêm túc như hệ đào tạo chính quy. Việc đánh giá học viên nghiêm túc trong suốt quá trình học và kiên quyết đào thải những học viên không đạt yêu cầu.
"Nếu ta sợ chất lượng đào tạo yếu mà chặn đầu vào là không nên, thay vào đó nên "chặn" ở đầu ra" - GS Thuyết phân tích. TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội lại cho rằng, để khắc phục tình trạng "học giả, bằng thật" của hệ đào tạo tại chức, "có thể tổ chức thi, đánh giá như hệ đào tạo chính quy.
Chương trình, cách thức đào tạo khác nhau, nhưng việc đánh giá phải chặt chẽ như hệ chính quy. Cùng một chuyên ngành, chuẩn đầu ra của hệ tại chức và chính quy phải như nhau, và như thế tấm bằng tốt nghiệp cũng chỉ cần có một loại, không gây nên sự phân biệt".
Thứ trưởng Ga cho biết, trước mắt, Bộ GD&ĐT chủ trương không khoán trắng việc tuyển sinh hệ tại chức cho các trường. Chương trình đào tạo yêu cầu phải bảo đảm thời lượng và khối lượng như đào tạo chính quy, không cắt xén, nhưng mềm dẻo, linh hoạt hơn trong phương pháp và cách thức đào tạo. Bộ cũng sẽ có quy định về chuẩn đầu ra của hình thức đào tạo vừa làm vừa học.
Song về lâu dài, để chấn chỉnh hệ đào tạo tại chức, để nhà tuyển dụng không còn "chê" tấm bằng ĐH hệ này, các cơ sở đào tạo cần siết chặt ngay từ khâu tuyển sinh, quản lý chặt quá trình đào tạo, tránh tình trạng giảng viên "thả" cho sinh viên qua môn. Các nhà quản lý giáo dục cấp Bộ cũng cần chặt chẽ hơn với việc đào tạo hệ tại chức tại các trường ĐH. Q