Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không “làm khó” các nghệ sĩ có danh hiệu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau bao cân nhắc, bao lần nâng lên đặt xuống trên bàn hội nghị, cuối cùng Đề án cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ, người mẫu đã được Bộ VHTT&DL phê duyệt.

Đúng như kế hoạch thì "vòng cương tỏa" cho những vi phạm trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật được siết lại từ tháng 4 tới, khi nhà quản lý bắt đầu cấp thẻ cho nghệ sĩ.

Tạo điều kiện cho nghệ sĩ

Nhiều người làm văn hóa và không ít người trong giới biểu diễn nhận thấy Đề án cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ, người mẫu mở con đường thông thoáng cho nghệ sĩ hành nghề đúng quy định. Là bởi, Đề án "khoanh vùng" rõ nét 5 đối tượng thuộc diện được cấp thẻ, gồm: Nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu, nghệ sĩ đang làm việc tại các đơn vị nghệ thuật; nghệ sĩ đã được cấp văn bằng tốt nghiệp về nghệ thuật tại các cơ sở đào tạo nghệ thuật; cá nhân đã đoạt giải tại các cuộc thi nghệ thuật, cuộc thi người đẹp trong nước và quốc tế; cá nhân đang học tập trong các cơ sở đào tạo và nghề nghiệp; cá nhân hoạt động tự do, có khả năng chuyên môn và nhu cầu tham gia hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang.

 
Phương Mỹ Chi, Quang Anh… vẫn có thể lên sân khấu biểu diễn khi có cha mẹ bảo lãnh. Ảnh: Thu Hà
Phương Mỹ Chi, Quang Anh… vẫn có thể lên sân khấu biểu diễn khi có cha mẹ bảo lãnh. Ảnh: Thu Hà
Tuy vậy, Đề án không chỉ bó gọn cứng nhắc trong 5 đối tượng ấy, mà còn mềm dẻo tính đến những cá nhân có nhu cầu hoạt động nghệ thuật, trình diễn thời trang nhằm mục đích kinh doanh. Điều kiện đặt ra với các cá nhân đó là người Việt Nam, đang thường trú trong nước, có phẩm chất đạo đức tốt, có khả năng chuyên môn, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải được các cơ quan quản lý Nhà nước về nghệ thuật biểu diễn xác nhận đủ điều kiện. Và như ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTT&DL) cho biết, những "nghệ sĩ" chưa đủ tuổi để được cấp thẻ hành nghề như trường hợp của Phương Mỹ Chi, Quang Anh… vẫn có thể lên sân khấu biểu diễn khi có cha mẹ bảo lãnh.

Vậy là tất cả công dân Việt Nam trên 15 tuổi, có nhu cầu và khả năng chuyên môn, có phẩm chất đạo đức tốt đều được cấp thẻ, đều được tạo điều kiện để có thể hoạt động nghệ thuật theo sở trường và đam mê. Kể cả những nghệ sĩ "lão làng" cho đến những nghệ sĩ mới “chân ướt chân ráo” bước lên sân khấu biểu diễn. Như để khẳng định sự tạo điều kiện cũng như sự công bằng của nhà quản lý văn hóa, Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương còn khẳng định: Bộ VHTT&DL sẽ sử dụng ngân sách để thực hiện việc cấp thẻ, nghệ sĩ không phải nộp bất cứ một khoản phí nào, nhằm tránh những hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra từ việc cấp thẻ hành nghề.

Cấp một lần nhưng không là mãi mãi

Không phải đến bây giờ, mà ngay khi việc cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ, người mẫu mới phôi thai trong ý tưởng, người ta đã băn khoăn về chuyện ứng xử thế nào với các nghệ sĩ "lão làng", không lẽ cũng đánh đồng thi cử như các nghệ sĩ "mới toe". Cho đến cả khi Đề án đã được Bộ VHTT&DL phê duyệt, thắc mắc này vẫn không thôi làm chạnh lòng các nghệ sĩ thế hệ đàn anh, đàn chị. Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn khẳng định, các nghệ sĩ đã có danh hiệu (NSND, NSƯT), các nghệ sĩ thuộc các đoàn nghệ thuật không cần phải làm đơn, không cần qua sát hạch, các Sở VHTT&DL chỉ cần gửi lý lịch trích ngang và ảnh, để được cấp thẻ hành nghề. Đó là giải pháp hợp lý và công bằng của nhà quản lý khi vung chiếc roi quản lý về phía làng nghệ thuật biểu diễn.

Hơn thế, dù thẻ hành nghề được quy định cấp một lần, song không phải cứ qua "cửa" sát hạch là nghệ sĩ có thể ung dung cho cả chặng đường làm nghệ thuật của mình. Bởi nghệ sĩ, người mẫu sau khi được cấp thẻ sẽ bị thu hồi thẻ có thời hạn hoặc thu hồi vĩnh viễn nếu sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng hát thật, âm thanh thật; sử dụng trang phục hoặc hóa trang không phù hợp với mục đích, nội dung biểu diễn và thuần phong mỹ tục; có những hành vi không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam hoặc gây ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại; bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn… Nghĩa là thẻ cấp một lần, nhưng không phải là mãi mãi. "Vòng cương tỏa" này còn có sự hỗ trợ của Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. 

Đúng như quan niệm của nhà quản lý, thẻ hành nghề chỉ là "chứng minh thư" của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, là công cụ để các cơ quan quản lý Nhà nước đối với người tham gia biểu diễn, chứ không phải thẻ chứng nhận trình độ chuyên môn của nghệ sĩ. Song, với cách tạo điều kiện và "quản" sát sao những vi phạm của nghệ sĩ như thế này, người ta tin những phản cảm trên sân khấu bấy lâu nay sẽ được loại bỏ.