Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không mất niềm tin

Thu Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ông ngóng chờ tin về vụ việc xảy ra với cậu bé trường Tiểu học Nam Trung Yên từng ngày, chẳng khác gì chờ tin của những người ruột thịt trong nhà.

Ông bảo tôi: "Người dưng nước lã thấy người già trẻ con sơ sảy trượt chân ngã còn dừng lại đỡ, đằng này thằng bé bị như thế mà người làm thầy làm cô lại ngoảnh mặt làm ngơ...!". Cũng bởi ông là nhà giáo về hưu, nên không giấu nổi nỗi ấm ức mà ông gọi là "nỗi đau của người làm nghề" khi ngay ở đất đô thị văn minh này lại có những nhà giáo thiếu đạo đức, thiếu nhân cách đến vậy.

Thế nên mới nghe quận Cầu Giấy công bố quyết định đình chỉ chức vụ của Hiệu trưởng và Hiệu phó trường Tiểu học Nam Trung Yên, ông như thể buông được một gánh nặng đang trĩu trong lòng. Ông bấm điện thoại gọi cho tôi, vội vã tỏ bày nỗi lòng đến độ bỏ qua cả lời hỏi chào thông lệ của mỗi cuộc điện thoại: "Ông bạn ơi! Đình chỉ chức vụ hiệu trưởng, hiệu phó rồi! Phải thế chứ, dù là hơi muộn!". Ông bảo tôi, đây là nỗi buồn nhưng cũng là một niềm vui, vì ít nhất người ta vẫn giữ được niềm tin với lẽ phải, với công lý, với những người làm nghề giáo và với cả các nhà quản lý của TP này...

Tôi bất chợt nhận ra, hình như người đô thị hôm nay, dù mê mải trong guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại, vẫn không hề vô cảm với chuyện của "người dưng", nhất là vẫn giữ được trong lòng sự nhân văn nhân ái vốn dĩ. Bởi đã có những cô giáo ở ngôi trường Nam Trung Yên ấy bất chấp "kể cả phải nghỉ dạy học cũng phải nói ra sự thật", có người lái taxi không thể đành lòng trong im lặng, có những diễn đàn toàn nhà giáo nhất tâm: "Nếu chúng ta im lặng trước sự việc này thì chúng ta cũng không có đạo đức nhà giáo"... Bởi tôi cũng như nhiều người tôi biết, chung một nỗi niềm với ông: Sốt ruột chờ hình phạt dành cho người không xứng đáng làm nhà giáo, nhưng vẫn có nỗi man mác buồn khi hình phạt ấy đưa ra. Đến cả bố đứa bé là nạn nhân trong câu chuyện kia cũng không giấu: "Nhận được những thông tin về vụ tai nạn của con mà lòng bần thần, suy nghĩ mông lung. Ước gì mình không bao giờ phải nghe cái kết luận và quyết định đau buồn này và ước gì chân con vẫn nguyên vẹn như ngày mình hân hoan đón con từ tay bác sĩ. Nhưng ước gì thì vẫn chỉ là mơ ước, không bao giờ trở thành sự thật. Dù thế nào tôi vẫn tin nhà giáo là những con người cao quý".

Câu chuyện buồn có lẽ đã khép lại, nhưng sự nhân văn nhân ái của người đô thị vẫn hiện hữu ở đây cùng một niềm tin không bị đánh mất ở lẽ phải và ở những người khoác lên mình hai chữ Nhà giáo.