Cơ chế chưa đột phá
Thực tế trong quá trình bán cổ phần của doanh nghiệp Nhà nước khi chuyển sang cổ phần hóa theo Nghị định 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ, nhiều bất cập đã nảy sinh, khiến nhiều đợt đấu giá không thành. Dễ thấy nhất là khi xác định giá trị DN để đưa vào giá trị cổ phần hóa, có một yếu tố quan trọng là lợi thế vị trí đất đai, thương hiệu… nhưng Nghị định 59 bắt buộc phải lấy căn cứ theo giá thị trường, trong khi giá thị trường biến động liên tục. Chính vì vậy, giá khởi điểm nhiều cổ phiếu (CP) được đưa ở mức cao 15.000 - 16.000 đồng/CP, trong khi thực tế giá nhiều mã CP trên sàn chính thức chỉ 6.000 - 7.000 đồng.
Bên cạnh đó, cơ chế hiện nay lại không tạo điều kiện cho bán buôn, bán cho các tổ chức, các NĐT lớn, khiến tỷ lệ cổ phần của các DN lớn rất thấp, nên không thu hút được NĐT nước ngoài tham gia.
Nghị định quy định, đối với các DN quy mô lớn có vốn Nhà nước trên 500 tỷ đồng hoạt động kinh doanh trong những lĩnh vực, ngành nghề đặc thù và các công ty mẹ thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước thì tỷ lệ cổ phần đấu giá bán cho các NĐT do Thủ tướng hoặc cơ quan được Thủ tướng ủy quyền xem xét; Giá bán cổ phần cho NĐT chiến lược không thấp hơn giá trúng đấu giá thấp nhất. Cơ chế này không thu hút được các NĐT lớn tham gia bỏ vốn vào DN.
Hình thức thay đổi: Chưa hấp dẫn NĐT
Mặc dù UBCK mới ban hành quy chế mẫu về bán đấu giá cổ phần tại Sở GDCK nhưng cũng không có nhiều điểm mới, điểm thay đổi lớn nhất trong quy chế mẫu ban hành lần này là cho phép NĐT thay vì tập trung đấu giá tại các sở GDCK có thể bỏ phiếu tại các công ty chứng khoán.
Những điểm bất cập lớn nhất như đã đề cập ở trên liên quan đến giá khởi điểm, tỷ lệ chào bán ra ngoài vẫn chưa có cải tiến đáng kể so với trước. Trong khi, TTCK liên tục đi xuống đang ảnh hưởng tiêu cực đến tiến độ đấu giá cổ phần của các DN. Tại Sở GDCK TP. HCM, từ đầu năm đến nay, có 7 DN đăng ký bán cổ phần, dự kiến đến cuối năm cũng chỉ có thêm vài DN đăng ký bán cổ phần. Trên sàn HNX, có những DN đã công bố đấu giá cổ phần nhưng sau đó lại hủy như Công ty CP Bảo hiểm SHB, Công ty CP Thép Sông Hồng... bởi chỉ có duy nhất một NĐT đăng ký đấu giá.
Khi TTCK không có sức sống, quy định mới đây của Luật Chứng khoán sửa đổi bổ sung có hiệu lực từ 1/7/2012 càng khiến đấu giá cổ phần không hút khách, bởi khi đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng, các DN phải cam kết đưa chứng khoán chào bán niêm yết, đăng ký giao dịch tại TTCK có tổ chức trong thời hạn 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán được Hội đồng cổ đông hoặc chủ sở hữu DN thông qua.
Yêu cầu này khiến nhiều DN ngại lên sàn thời điểm này, thậm chí ngại cả đấu giá cổ phần ra công chúng.