Không nên thay đổi thời gian nghỉ Tết Âm lịch

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đề xuất việc nghỉ Tết Âm lịch có nên nghỉ bù hay không của Bộ LĐTB&XH đang được dư luận quan tâm với hai luồng ý kiến. Với nhiều người lao động (NLĐ) đi làm xa quê thì 5 ngày nghỉ Tết Nguyên đán là ngắn nhưng lại có ý kiến chỉ nên nghỉ chừng ấy ngày, các ngày nghỉ bù nên chuyển sang dịp khác.

 Phương án nghỉ Tết Âm lịch dài có thể làm ảnh hưởng kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Ảnh: Thanh Hải
Chuyển ngày nghỉ bù sang dịp khác?

Bộ LĐTB&XH đề xuất NLĐ được nghỉ 5 ngày Tết Âm lịch; nếu ngày nghỉ Tết Âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì không được nghỉ bù. Sở dĩ Bộ đưa ra phương án này bởi có ý kiến cho rằng, kỳ nghỉ Tết Âm lịch của Việt Nam dài so với một số quốc gia trong khu vực. Điều này có thể làm ảnh hưởng kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các DN gia công sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu, hiệu quả công việc không cao sau kỳ nghỉ dài.

Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động và Xã hội TS Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, không kéo dài những ngày nghỉ Tết Nguyên đán cũng là cần thiết. Tuy nhiên, nhìn tổng thể đề xuất này không thỏa đáng vì các lý do. Thứ nhất, Việt Nam có tổng cộng 10 ngày nghỉ trong năm theo luật, thấp hơn các nước. Nếu lại cắt đi những ngày nghỉ Tết của năm có trùng với ngày nghỉ cuối tuần sẽ càng giảm số ngày nghỉ trong năm. Thứ hai, quy định này dẫn đến sự xung đột với các ngày nghỉ lễ khác trùng vào thứ Bảy, Chủ nhật vẫn được nghỉ bù, như vậy sẽ không thống nhất trong quy định pháp luật. Thứ ba, quy định này chưa tính đến nhu cầu chính đáng của NLĐ khi làm việc xa gia đình, thời gian đi trên đường về nghỉ Tết nhiều dẫn đến số ngày thực tế được nghỉ rất ít. TS Nguyễn Hữu Dũng đề nghị không nên quy định cứng ngày nghỉ bù liền với ngày Tết để hạn chế kéo dài ngày nghỉ Tết.

Trong khi đó, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân nêu quan điểm, luật đang quy định nghỉ Tết có được nghỉ bù thì cứ theo như vậy. “Quan trọng nhất khi nghỉ Tết có nghỉ bù để giải quyết nhu cầu của NLĐ, chứ không phải dài quá để chuyển sang đợt nghỉ khác. Những người dân miền Tây kéo nhau lên miền Đông hay khu công nghiệp Bắc Ninh, Thái Nguyên có nhiều NLĐ đến từ Quảng Bình, Quảng Trị vào dịp Tết mới được về quê. Nếu nghỉ Tết vài ngày thì thời gian họ đi đường cũng gần hết” - ông Minh Huân nhấn mạnh.

Giữ nguyên quy định nghỉ Tết như hiện hành

Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, quy định hiện hành của Bộ luật Lao động về nghỉ Tết Âm lịch đã được thực hiện ổn định từ năm 2013 đến nay và được NLĐ đồng tình. Quy định đó đã tạo điều kiện cho NLĐ, nhất là những lao động làm việc ở xa quê về quê ăn Tết, sum vầy cùng gia đình đón Tết cổ truyền, qua đó tạo động lực cho NLĐ hăng say lao động khi trở lại làm việc.

Ông Nguyễn Đức Nhàn - Chủ tịch Công đoàn Công ty Điện tử Asti cũng nghiêng về phương án nghỉ Tết Nguyên đán như hiện tại vì DN có một số NLĐ ở quê xa. Nghỉ Tết có nghỉ bù chỉ có một số ít DN bị ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh. Những DN lớn đã có kế hoạch hoạt động cho cả năm nên vẫn có thể sắp xếp được cho NLĐ nghỉ Tết có nghỉ bù. Ông Nhàn cũng không đồng tình với ý kiến cho rằng NLĐ nghỉ Tết dài ngày đi làm việc lại uể oải: “Trong DN, NLĐ được bố trí đứng theo dây chuyền nên không có chuyện làm việc kém hiệu quả. Bằng chứng là, sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán 2019, Công ty Asti có 100% NLĐ trở lại làm việc bình thường”.

Giám đốc Công ty CP Công nghệ điện lạnh Bình Minh cũng có cái nhìn hướng về NLĐ. Nếu nghỉ Tết Nguyên đán 5 ngày với những NLĐ phải đi làm xa quê thì quá ngắn, vì đã mất 2 ngày đi về. Trong 3 ngày Tết, NLĐ đi chúc Tết mọi người trong họ, bạn bè chẳng còn thời gian nghỉ ngơi. “DN nào cũng muốn NLĐ đi làm luôn. Đã nuôi quân thì làm càng nhiều càng tốt để bù vào chi phí đầu tư cho sản xuất. Nhưng vì cái chung của NLĐ muốn được nghỉ Tết dài hơn để sum họp gia đình, giải quyết việc riêng, nghỉ thêm một vài ngày không là vấn đề lớn đối với DN. Điều quan trọng, chủ DN phải biết cách quản lý để có hiệu suất làm việc cao” - ông Bình nêu quan điểm.

Nhiều NLĐ cũng mong muốn nghỉ Tết Nguyên đán 7 ngày là vừa. Theo đó, ngày 29 và 30 Tết họ dọn dẹp nhà cửa, đi chợ mua sắm Tết. Ngày mùng 1, 2 và 3 Tết, NLĐ đi chúc mọi người trong họ hàng, bạn bè, lễ chùa. Ngày 4, 5 dọn dẹp nhà cửa và nghỉ ngơi chút để ngày 6 làm việc bình thường, như vậy là trọn vẹn kỳ nghỉ Tết.