Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Không ngăn sông cấm chợ, không cản trở việc đi lại nhưng phải đảm bảo an toàn"

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện theo tinh thần chung của Nghị quyết 128, không ngăn sông cấm chợ, không có cản trở việc đi lại nhưng phải đảm bảo đối với công tác phòng, chống dịch khi người dân trở về địa phương của mình, nếu có kế hoạch đưa đón thì tốt nhất.

Ngày 10/11, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.
Kiểm soát, quản lý rủi ro
Đề cập đến những nội dung liên quan đến các tỉnh, thành có người dân trở về từ vùng dịch đã phát sinh nhiều ổ dịch mới, con số tăng lên hằng ngày. Vùng xanh đã biến thành vùng vàng và vùng cam tăng lên rõ rệt, gây khó khăn, lúng túng cho chính quyền các tỉnh, thành trong công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt các địa phương kinh tế còn thiếu và yếu, độ che phủ vaccine còn thấp…

 Các đại biểu tham dự phiên họp.
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nêu vấn đề, qua kinh nghiệm, bài học của 20 tháng phòng, chống dịch, với cương vị là tư lệnh ngành y tế, Bộ trưởng cảm nhận về trách nhiệm của mình về vấn đề mà cử tri nêu ra như thế nào? Đồng thời có giải pháp gì trong thời gian tới với phương châm thích ứng, sống chung với dịch, vì mục tiêu cao cả là bảo vệ sức khỏe Nhân dân và ổn định, phục hồi kinh tế xã hội cho đất nước?
Trả lời ĐB, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, sau khi chúng ta chuyển sang trạng thái thích ứng, an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả đối với dịch Covid-19 và lượng người di chuyển từ địa bàn có dịch đến các tỉnh, TP rất nhiều.
Theo thống kê sơ bộ mà Bộ LĐTB&XH đã có báo cáo, khoảng 1,6 triệu người lao động đi từ những địa bàn TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An về các địa phương, đặc biệt khu vực phía Tây và đối với các tỉnh Tây Nguyên. Hiện giờ cũng đã có hiện tượng di chuyển ngược lại. Đối với vấn đề này, từ quản lý về việc di chuyển, phòng, chống dịch cho việc di chuyển của người dân, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia đã có rất nhiều chỉ đạo liên quan, đảm bảo người dân được di chuyển an toàn và đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch đối với việc di chuyển của người dân.
Bộ Y tế, các cơ quan chuyên môn cũng đã tham mưu và đồng thời cũng đã có công điện đối với các địa phương cho việc phòng, chống dịch đối với người di chuyển rời đi từ Bình Dương, Đồng Nai, Long An, TP Hồ Chí Minh,… Khi đi về các địa phương, đây là nhóm đối tượng có yếu tố nguy cơ và Bộ đã có chỉ đạo phải xét nghiệm, cách ly, theo dõi, giám sát y tế một cách chặt chẽ.
Tuy nhiên, số lượng người dân rất lớn đối với khu vực này, vì vậy Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện theo tinh thần chung của Nghị quyết 128, không ngăn sông cấm chợ, không có cản trở việc đi lại nhưng phải đảm bảo đối với công tác phòng, chống dịch khi người dân trở về địa phương của mình, nếu có kế hoạch đưa đón thì tốt nhất. Trên cơ sở đó có kế hoạch phòng, chống một cách rất hiệu quả, theo dõi, giám sát để y tế, đối với một số trường hợp có thể cách ly phù hợp với các địa phương để đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn.
“Khi chúng ta chuyển sang trạng thái an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả thì không thể không có ca nhiễm nhưng chúng ta phải kiểm soát và quản lý rủi ro. Quản lý rủi ro ở đây là quản lý nguy cơ có thể tăng nặng bệnh và gây ra tử vong. Chính vì vậy, trong Nghị quyết 128 đã nêu rất rõ là các địa phương phải tăng độ bao phủ vaccine cho người trên 65 tuổi, trên 50 tuổi. Đồng thời, phải củng cố hệ thống y tế để đảm bảo khi bệnh nhân mắc và bị nặng, y tế cơ sở có thể cấp cứu và điều trị kịp thời. Đây điều mà tất cả các nước trên thế giới đã thực hiện, đã triển khai trong thời gian qua và chúng ta cũng tương tự như vậy” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Hình thành bộ môn về Covid-19 không?
ĐB Nguyễn Minh Đức (TP Hồ Chí Minh) nêu vấn đề: Thời gian qua các Trung tâm cấp cứu 115 góp phần nhiều trong công tác khám chữa bệnh, nhưng theo quy định về vị trí, cơ cấu chức danh nghề thì Trung tâm thuộc nhóm không giường bệnh, không được cấp chứng chỉ hành nghề và không được BHYT thanh toán. Vậy Bộ Y tế có ý kiến gì về vấn đề này? Thứ hai, Bộ Y tế đã chấp nhận SARS-CoV-2 là bệnh truyền nhiễm như các căn bệnh khác hay chưa? Bộ đã có chiến lược về chương trình đào tạo, giảng dạy về phòng, chữa bệnh do SARS-CoV-2 trong các trường y dược bài bản, khoa học chưa, để làm sao tránh được các cuộc truy vết, cách ly như thời gian qua?
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trong thời gian qua, Trung tâm cấp cứu 115 đã phát huy được vai trò, hiệu quả trong vận chuyển bệnh nhân tới cơ sở y tế và triển khai chăm sóc điều trị đối với bệnh nhân. Tuy nhiên, ở Việt Nam và các nước trên thế giới không xếp đây vào cơ sở khám, chữa bệnh bởi những người hành nghề tại trung tâm cấp cứu không phải cán bộ y tế. Họ chỉ được đào tạo các kỹ năng để có thể sơ cấp cứu và vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của ĐB để rà soát, điều chỉnh trong thời gian tới có những quy định phù hợp với mô hình hoạt động của Trung tâm cấp cứu 115.
Về nội dung về virus SARS-CoV-2, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết ngày 20/1/2020 đã có quyết định xếp loại virus này thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm A theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm. Bộ Y tế đã triển khai các chương trình tập huấn cho cán bộ y tế ở tất cả các tuyến trong vấn đề chăm sóc, bệnh nhân Covid-19.
Việc có hình thành bộ môn về Covid-19 hay không, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết sẽ có trao đổi với các trường, các nhà khoa học và tham khảo kinh nghiệm các nước trên thế giới. Có thể chúng ta sẽ thành lập các trung tâm nghiên cứu nhưng không chỉ riêng về Covid-19 mà sẽ bao gồm tất cả các bệnh truyền nhiễm mới nổi, nguy hiểm…