Công nghệ BĐG cho phép tạo ra được các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, giá thành hạ. Bởi vậy, công nghệ gene đã, đang và sẽ là một trong những nhân tố quyết định tính cạnh trạnh không chỉ của lĩnh vực nông nghiệp mà còn ở nhiều lĩnh vực khác. TS Lê Trần Chiến Trung tâm Đa dạng và an toàn sinh học |
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại về rủi ro của cây trồng BĐG đối với sức khỏe con người và môi trường. Theo, GS.TS Phạm Thị Thùy, Trung tâm Sinh học nông nghiệp và bảo vệ môi trường, thực phẩm từ cây BĐG có khả năng gây dị ứng, làm nhờn thuốc kháng sinh, tạo ra độc tố cho cơ thể… Còn GS.TS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam lại cho rằng, Việt Nam chưa nên phát triển cây trồng BĐG trên diện rộng, nếu cho phát triển tràn lan sẽ có nguy cơ làm mất cân bằng hệ sinh thái và làm giảm tính đa dạng sinh học của loài cây được chuyển gene.
Ứng dụng có lộ trình
Về vấn đề này, ông Đỗ Gia Phan, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nêu quan điểm: "Trong khi công nghệ BĐG còn đang tranh cãi, mới chỉ có vài nước áp dụng trong sản xuất thì chúng ta cần hết sức thận trọng. Việc đưa cây ngô BĐG vào sản xuất hiện nay cũng cần cân nhắc bởi chúng ta đã có những giống ngô cho năng suất cao. Mặt khác chúng ta chưa sản xuất được giống ngô chuyển gene nên sẽ bị phụ thuộc rất nhiều vào công ty nước ngoài. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể nghiên cứu để có thể sẵn sàng triển khai khi tình hình có chuyển biến tích cực và người tiêu dùng chấp nhận sản phẩm BĐG".
Cho đến nay, Bộ NN&PTNT đã tiến hành 2 bước khảo nghiệm các giống ngô BĐG trên diện hẹp và diện rộng để đánh giá rủi ro đối với đa dạng sinh học và môi trường trên đồng ruộng. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng cho biết, các cơ sở pháp lý để sử dụng giống cây trồng BĐG ở Việt Nam đã được xây dựng tương đối hoàn chỉnh. Lộ trình sử dụng cũng được xác định chặt chẽ, có trọng tâm, trọng điểm và bước đi thận trọng. Trước mắt chỉ cho phép khảo nghiệm ba loại cây là ngô, đậu và bông vải. Đây là ba loại cây BĐG trên thế giới trồng nhiều và cũng là sản phẩm mà Việt Nam phải nhập khẩu số lượng lớn. Đồng thời không có chủ trương phát triển cây trồng BĐG đối với nhóm cây xuất khẩu chủ lực như lúa gạo, cà phê, tiêu, điều, chè, cây ăn quả…
Ông Bổng cũng bày tỏ: Giữa hai thái cực lựa chọn hoặc dứt khoát từ chối hoặc tiếp thu một cách dễ dãi, tùy tiện đều chưa phải là cách tiếp cận hay. Do đó, đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học Việt Nam đồng thuận phương thức tiếp cận đối với giống cây trồng BĐG một cách tích cực nhưng thận trọng, tuân thủ chặt chẽ qui định của pháp luật, tranh thủ kinh nghiệm của các nước.