KTĐT - Chính quyền luôn nói ủng hộ, các sở, ngành bảo phải tích cực hỗ trợ, nhưng thực tế là một số dự án di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư vẫn dậm chân tại chỗ, vì ách tắc GPMB. Để thực hiện chủ trương đúng đắn này sớm đi vào cuộc sống, rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn từ các cơ quan chức năng.
Dài cổ ngóng... mặt bằng
Ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, nhất là các làng nghề thuộc Hà Tây (cũ) từ lâu đã là vấn đề bức xúc. Bởi không chỉ ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày, ô nhiễm nghiêm trọng đang ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân làng nghề cũng như cộng đồng. Từ năm 2003, việc di dời các cơ sở ô nhiễm khỏi khu dân cư là yêu cầu cấp bách đã được nêu ra tại Quyết định số 64/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Từ năm 2005, các huyện phía Tây TP Hà Nội đã lên danh mục các cơ sở ô nhiễm nghiêm trọng phải di dời, trong đó, có hàng loạt làng nghề ở huyện Phúc Thọ như Tam Hiệp, Sen Chiểu, Liên Hiệp... Tuy thế, chủ trương đúng đắn lại đang vướng phải chướng ngại vật "muôn thuở" - đó là khâu GPMB.
Trở lại với dự án thí điểm di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm tại làng nghề xã Tam Hiệp bị "treo" đã nhiều năm nay (Báo Kinh tế & Đô thị số 47, ra ngày 16/3/2011 đã có bài phản ánh), chúng tôi vẫn chưa thấy có bất cứ sự chuyển động tích cực nào trong công tác GPMB, dù trước đó, cả UBND xã Tam Hiệp và UBND huyện Phúc Thọ đều bày tỏ quan điểm phải sớm tăng tốc dự án. Ô đất gần 9.000m2, nơi được quy hoạch và phê duyệt làm dự án điểm dịch vụ tiểu thủ công nghiệp vẫn bỏ hoang cho cỏ mọc. Trong khi đó, tại khu vực vốn là cơ sở sản xuất của hộ Canh Thanh, nhà đầu tư đầu tiên của làng nghề vào "dự án điểm" lại đang ngổn ngang máy móc. Mái xưởng đã bị dỡ tung, xà, cột, máy móc các loại phần lớn đã bắt đầu han gỉ bị cắt rời, vứt chỏng chơ, mỗi nơi một khúc.
Hỏi ra mới biết, do bị đình chỉ sản xuất đã nhiều năm, trong khi mặt bằng "dự án điểm" mãi không được bàn giao, lại phải trả lãi cho khoản vốn đã vay ngân hàng, hộ Canh Thanh đã phải bán nhà và ít ngày trước, người chủ mới tới đòi nhà đã cho tháo dỡ các thiết bị ra khỏi xưởng. Bà Nguyễn Thị Thanh, chủ hộ sản xuất than thở: "Giờ là đất của họ, tôi cũng không biết nói sao. Nhưng các anh bảo tôi biết để những máy móc trị giá mấy tỷ đồng này vào đâu khi khu đất dự án chưa được GPMB. Nếu cứ vứt đường, vứt chợ thế này thì dù không thất lạc cũng chỉ dăm bữa là dây chuyền sản xuất tiền tỷ của tôi thành sắt vụn hết...".
Phải vào cuộc quyết liệt hơn
Về dự án dang dở nói trên, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Trương Quang Thiều cho biết, quan điểm của huyện là nhất quán. "Huyện rất ủng hộ dự án này song đúng là do vướng mắc trong GPMB nên dự án đã bị chậm, ảnh hưởng tới nhà đầu tư. Trong thời gian sớm nhất, chúng tôi sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ dự án. Nếu cần, huyện hoàn toàn có thể tổ chức cưỡng chế thu hồi đất theo quy định pháp luật. Không thể để dự án kéo dài mãi, gây lãng phí vốn đầu tư xã hội..." - ông Thiều nói.
Chia sẻ những khó khăn mà nhà đầu tư đang phải đối mặt, đích thân Bí thư Huyện ủy này đã gọi điện chỉ đạo xã Tam Hiệp khẩn trương lên phương án thu hồi, trình UBND huyện phê duyệt để triển khai ngay. "Nếu thu hồi hết toàn bộ dự án chưa làm kịp thì có thể GPMB trước một số diện tích để nhà đầu tư có nơi chứa máy móc, thiết bị tránh hư hao, hỏng hóc gây thiệt hại không đáng có..." - ông Thiều cho hay.
Nói về các dự án di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường khỏi khu dân cư trong làng nghề, Sở TN&MT Hà Nội cho biết, Thành phố đã có chủ trương từ nhiều năm nay. Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội, từ nay đến năm 2015, Hà Nội sẽ tiếp tục tiến hành xử lý rác thải, chất thải lỏng, chất thải rắn, chất thải khí và cung cấp nước sạch cho khoảng 30 làng nghề (5 làng/năm), với tổng kinh phí khoảng 450 tỷ đồng. Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội cũng đang hoàn thiện các cơ chế chính sách hỗ trợ cho các cơ sở trong làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng để di chuyển vào các cụm, điểm công nghiệp tập trung.
Tuy nhiên, từ thực tế triển khai tại một địa phương, đại diện các sở, ngành cũng thừa nhận, nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, chính quyền các quận, huyện, phường, xã thì, các dự án di dời sẽ triển khai rất chậm, nếu không nói là có nguy cơ bị "treo" nhiều năm. Đại diện