Theo nhiều chuyên gia, quá trình tái cơ cấu DN nhà nước (DNNN) vẫn quá chậm. Có vẻ như nhiều bộ, ngành vẫn “câu giờ” CPH, thoái vốn? - Thực tế, vẫn còn tư tưởng ở một số bộ muốn nắm giữ tỷ lệ lớn chi phối DN. Ví dụ, ở Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), Bộ Xây dựng hiện vẫn nắm giữ tỷ lệ vốn lên tới 90%. Nhà nước vẫn nắm giữ tỷ lệ CP quá nhiều là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư không mặn mà khi DN này bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Nhà đầu tư bỏ tiền, đương nhiên họ muốn sở hữu tỷ lệ CP chi phối, để làm chủ "mặt trận" của mình. Tuy nhiên, việc cơ quan chức năng muốn nắm giữ tỷ lệ cao đã làm mất cơ hội CPH. Lý do mà nhiều bộ, ngành, tổng công ty đưa ra để giải thích cho việc chần chừ CPH là để Nhà nước có thể nắm quyền kiểm soát các vấn đề quan trọng sau CPH. Ông nói gì về điều này? - Nhà nước chỉ cần nắm 35% tỷ lệ CP là đã có quyền tham gia quyết định nhiều vấn đề quan trọng của DN sau CPH. Ví dụ, nếu DN muốn sa thải công nhân, tất nhiên phải có ý kiến của người đại diện phần vốn Nhà nước. Nhà nước không nhất thiết phải nắm giữ tỷ lệ quá cao mà vẫn kiểm soát được DN. Hiện, các khuôn khổ pháp lý đã mở ra, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tiếp cận nguồn lực quốc gia. Nhà nước chỉ nắm giữ CP chi phối ở những lĩnh vực mà tư nhân không làm được, không được làm và chưa đủ sức làm thôi. Một số DNNN đã CPH nhưng Nhà nước vẫn nắm tỷ lệ CP chi phối, vẫn bộ, ngành cũ điều hành. “Bình mới” nhưng cách quản trị cũ, liệu có hiệu quả không, thưa ông? - Như tôi đã nói ở trên, nếu tỷ lệ bán vốn quá thấp, nhà đầu tư không có vai trò quyết định thì họ cũng không vào làm gì. DN CPH nhưng bộ, ngành vẫn cũ, cách quản lý, quản trị DN vẫn cũ thì rất khó hiệu quả. Vấn đề quan trọng là phải thay đổi cách quản trị, tư duy quản trị. Ví dụ, Công ty Gang thép Thái Nguyên hay Đạm Ninh Bình…, sau CPH vẫn thua lỗ kéo dài. Vậy, Bộ Tài chính đã có những giải pháp gì để kiểm soát vấn đề này? - Ở vai trò là nhà quản lý, Bộ Tài chính đã, đang và sẽ tăng cường thanh, kiểm tra, hạn chế tối đa việc lợi dụng CPH để bán rẻ vốn Nhà nước, tạo lợi ích cho các nhóm cổ đông, nhóm nhà đầu tư cơ hội kiếm lời trên việc tái cơ cấu. Điều này sẽ làm bóp méo hình ảnh thông tin về tái cơ cấu, làm các nhà đầu tư chân chính nản lòng. Trước đây, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước vẫn rất hạn chế trong việc công bố các thông tin ra công chúng. Việc thúc đẩy DNNN minh bạch, công khai báo cáo tài chính đã được tiến hành đến đâu? - Thời gian qua, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra việc công bố thông tin của một số DNNN. Trong đó, một số tập đoàn, tổng công ty như Dệt may, Viettel, VNPT, Dầu khí… thực hiện việc công khai thông tin rất tốt. Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát lại việc này và có đôn đốc, chấn chỉnh các DN không chấp hành. Đây cũng sẽ là tiêu chí để đánh giá người đứng đầu tập đoàn, tổng công ty này có hoàn thành nhiệm vụ hay không. Có như vậy mới tạo được kỷ cương trong công khai thông tin. Bộ Tài chính cũng đang phối hợp với các sở giao dịch chứng khoán và một số cơ quan liên quan để có cơ chế bình bầu, đánh giá báo cáo tài chính tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Điều này nhằm khẳng định DNNN cũng bình đẳng với các DN khác và công khai, minh bạch thông tin, từ đó thúc đẩy quá trình CPH. Nếu thông tin mù mờ thì nhà đầu tư không thể yên tâm được. Xin cảm ơn ông!