Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không thể bỏ quy định mang tính nhân văn

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động mà Bộ LĐTB&XH đưa ra dự kiến bỏ quy định lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc, tuy nhiên, rất nhiều chuyên gia không ủng hộ đề xuất này, vì đây là quy định mang tính nhân văn.

Không thể nói bỏ là bỏ
Ông Hà Đình Bốn – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐTB&XH giải thích việc bỏ quy định này là để đảm bảo hài hòa mối quan hệ gữa người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ), NLĐ với các cơ quan quản lý Nhà nước. Các DN luôn muốn tiết kiệm chi phí để tăng tích lũy, lợi nhuận cũng như mở rộng sản xuất; còn NLĐ mong muốn có chế độ ngày càng cao và nhiều ưu đãi; vì vậy pháp luật phải đảm bảo hài hòa nhất.
Tuy nhiên, giải thích này của Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐTB&XH bị nhiều chuyên gia, DN và đặc biệt là NLĐ không đồng tình. “Tôi nghĩ Bộ LĐTB&XH nên giữ lại quy định phụ nữ nuôi con trong vòng 1 tuổi được nghỉ 60 phút mỗi ngày vì nó mang tính nhân văn. Người phụ nữ hiện nay có rất nhiều việc phải làm ở cơ quan, gia đình, mang thai và nuôi con; nếu bây giờ cắt quy định ấy đứa trẻ sẽ bị ảnh hưởng. Nhất là khi xã hội mình luôn chú trọng tình cảm gia đình, sự gắn kết giữa người mẹ và đứa trẻ cũng từ đó mà ra” - chị Nguyễn Minh Thu – phụ trách nhân sự Công ty TNHH Dịch vụ thương mại và thẩm mỹ Greentara bày tỏ.
 Nữ công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh. Ảnh: Thanh Hải
Là người tham gia soạn thảo các văn bản luật, TS Nguyễn Hữu Dũng – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động & xã hội, Bộ LĐTB&XH cho biết, quy định lao động nữ được nghỉ giữa giờ để cho con bú được thực hiện ở Việt Nam từ những năm 1994, nhằm thực hiện quyền trẻ em. Hơn nữa, Việt Nam đã phê chuẩn công ước quốc tế về quyền trẻ em, Luật Trẻ em sửa đổi cũng đã quy định trẻ em có rất nhiều quyền được sống, nuôi dưỡng, trong đó có việc bú sữa mẹ ở năm đầu đời. Đầu tư cho trẻ em chính là cho phát triển nguồn nhân lực trong tương lai của đất nước, vì thế theo ông Dũng, để phát triển nguồn lực trong tương lai cần có sự chia sẻ giữa DN với Nhà nước, giữa ngắn hạn với lâu dài. “Ý kiến đề xuất chỉ là của một số DN hoạt động khó khăn. Nhiều DN ủng hộ quy định phụ nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ 1 tiếng mỗi ngày trong thời gian làm việc là hoàn toàn chính đáng và thể hiện sự chia sẻ” – ông Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.
Bỏ qua giai đoạn vàng phát triển của trẻ
Quốc hội vừa thông qua Luật Trẻ em, trong đó nhất trí phải chăm sóc giáo dục toàn diện trẻ ở 1.000 ngày đầu tiên. Tại nhiều cuộc bàn tròn, các chuyên gia cũng khẳng định cần phải giáo dục toàn diện trẻ ở 3 năm đầu đời để phát triển tiềm năng thể lực cũng như trí tuệ. Trong giai đoạn này, không có mối quan hệ tương tác nào giá trị hơn giữa mẹ và trẻ, giúp bé thích nghi với môi trường bên ngoài. Vì thế, PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người cho rằng, việc Bộ LĐTB&XH bỏ quy định 60 phút mỗi ngày đối với lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề dinh dưỡng của đứa trẻ. “Sữa mẹ là quý nhất, không gì thay thế được để trẻ phát triển ở giai đoạn vàng. Não bộ của đứa trẻ rất cần sữa mẹ để phát triển. Không những thế, sữa mẹ còn có sức đề kháng, vacxin tốt nhất chống lại các nhiễm khuẩn và bệnh tật cho bé” - PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh khẳng định.
Trước lập luận của nhiều người rằng mẹ có thể vắt sữa khi đi làm và bảo quản trong tủ lạnh, để người trông trẻ ở nhà cho trẻ ăn bằng bình. Điều đó nhiều người vẫn làm, tuy nhiên, như PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh phân tích, như vậy sẽ "bị quên" yếu tố thứ hai khi người mẹ cho con bú chính là sự tương tác, giao tiếp, truyền đạt... từ đó kích thích sự phát triển của trẻ, cả về thể lực lẫn trí tuệ. Không những thế, được nghỉ 60 phút cho con bú người mẹ sẽ thoải mái tinh thần, kích thích tuyến sữa tiết ra nhiều và có chất lượng hơn để đảm bảo nuôi con tốt hơn so với việc vắt sữa ra từ sáng rồi trữ trong tủ lạnh.
Các DN đề nghị bỏ quy định này vì cho rằng ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất và năng suất lao động, đã không hiểu rằng năng suất lao động phụ thuộc chủ yếu vào ý thức của NLĐ và việc áp dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Nếu có sự so sánh giữa người mẹ cho con bú với hoạt động sản xuất, DN chỉ bị ảnh hưởng một phần. Nếu người mẹ đang nuôi con dưới 1 tuổi không được chăm sóc đầy đủ dễ ốm yếu, người mẹ lại xin nghỉ làm để chăm con, khi đó ngày công lao động còn giảm xuống và tiền bảo hiểm y tế của Nhà nước lại tăng lên. Vì thế, việc cân nhắc bỏ hay giữ quy định mang tính nhân văn này không nên lấy điểm tựa chính là lợi ích của DN.
Đứng ở góc độ của một người từng quản lý ngành LĐTB&XH, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân có cái nhìn khá công bằng: "Quy định nghỉ 60 phút đối với lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng có thể rất nhân văn, nhưng trong quá trình thực hiện chưa phù hợp nên trong sơ kết đánh giá 3 năm thực hiện Bộ luật Lao động vẫn có ý kiến trái chiều nhau. Tất nhiên, chúng ta phải cân nhắc những gì phù hợp với quyền lợi của NLĐ, đặc biệt là lao động nữ thì phải chú ý bảo vệ và những quy định có lợi cho NLĐ đã ban hành rồi thì tiếp tục duy trì".
Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động & xã hội, TS Nguyễn Hữu Dũng:
Các doanh nghiệp chủ động sắp xếp, bố trí
Khi người phụ nữ mang thai đến tháng thứ 7, DN đã phải chuyển họ sang làm công việc nhẹ. Lao động nữ được nghỉ 60 phút mỗi ngày để cho con bú là chuyện đương nhiên và DN phải chủ động sắp xếp, bố trí. Theo tôi, để tạo điều kiện cho bà mẹ thì các DN xây dựng nhà trẻ, nhất là những khu công nghiệp để người mẹ không phải mất nhiều thời gian đi lại. Và cho các bà mẹ quyền được lựa chọn, sắp xếp linh hoạt thời giờ cho con bú.

Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Phúc Hưng Thịnh Nguyễn Hoàng Hà:
Bỏ quy định 60 phút là không nhân văn
Tôi thấy ở các nước thực hiện chế độ phúc lợi đối với lao động nữ rất tốt để họ yên tâm làm việc. Quy định phụ nữ được nghỉ 60 phút mỗi ngày để cho con bú là nhân văn, nhiều DN vẫn đang thực hiện, tại sao Bộ LĐTB&XH lại bỏ nó đi? Năng suất lao động không phải là vấn đề, vì nó phu thuộc vào ý thức của NLĐ và cách sắp xếp cộng việc của chủ sử dụng. Chúng ta nên duy trì quy định 60 phút để có thế hệ tương lai khỏe mạnh, đó chính là nguồn lực để xây dựng và phát triển đất nước.

Phát động chiến dịch “1 tiếng cho con”
Chiều 19/1, tại tọa đàm một số nội dung điều chỉnh dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động, chiến dịch “1 tiếng cho con” được phát động. Trong chiến dịch này, cùng với các hoạt động như ký tên, đưa ra ý kiến để bảo vệ quyền của trẻ em và người lao động, một thư kiến nghị được gửi đến Ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động 2012. Trong đó, đề nghị giữ nguyên Khoản 5, Điều 155, Bộ luật Lao động 2012 về “Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút; trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động”.
Chiến dịch nêu trên do nhóm thanh niên quan tâm đến các vấn đề xã hội khởi xướng, dưới sự bảo trợ của Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và Nâng cao năng lực cho phụ nữ, Trung tâm Phát triển và Hội nhập.