Hiện nay, xu hướng chuyển dịch của các trung tâm chế biến, chế tạo là từ quốc gia có chi phí lao động cao sang quốc gia có chi phí lao động thấp, Việt Nam đang là điểm đến đáp ứng được điều kiện trên nhưng lợi thế này còn có thể duy trì được bao lâu? Đây là câu hỏi được ông Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đặt ra tại Hội thảo quốc tế “Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới sau năm 2015” vừa diễn ra sáng 24/10.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, trong 30 năm đổi mới vừa qua cũng như giai đoạn phát triển tiếp theo, sự đóng góp của các nhà đầu tư nước ngoài mang ý nghĩa rất quan trọng. Đặc biệt lĩnh vực chế biến, chế tạo đang chiếm tới 56% vốn đầu tư và có tới 63% xuất khẩu của Việt Nam đến từ lĩnh vực này.
Nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế đánh giá rằng, trong vòng 20 năm tới, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới nhưng với những gì đang có chúng ta liệu có thể nắm bắt được cơ hội này không, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam băn khoăn.
Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, đã đến lúc cần nghiêm túc nhìn nhận Việt Nam phải làm gì để đón đầu xu hướng chuyển dịch trên thông qua xác định rõ nhu cầu cũng như lý do chuyển dịch của các nhà đầu tư, Việt Nam muốn làm điểm đến như vậy thì có những khó khăn và thuận lợi gì.
Để ngành chế biến, chế tạo phát triển được, không thể chỉ dựa vào lao động giá rẻ mà Việt nam cần tăng cường tay nghề lao động cao, kết hợp với khoa học công nghệ, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam kết luận.
Đồng quan điểm với Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, ông Nguyễn Văn Bình - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định, hiện tại cũng như trong tương lai, lĩnh vực chế biến, chế tạo của Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này thể hiện rõ qua việc tỷ trọng đầu tư đang tăng dần theo từng năm, nếu như 2011 chế biến, chế tạo chỉ chiếm 50% vốn FDI thì tới 2014 đã là 72%, hiện có tới 80/101 quốc gia đầu tư vào lĩnh vực này tại Việt Nam.
"Chế biến, chế tạo sẽ tiếp tục là trụ cột của nền kinh tế, vì vậy nhìn nhận xu thế chuyển dịch của nhà đầu tư, đánh giá khả năng và nguồn lực của Việt Nam, qua đó đề ra những giải pháp toàn diện là việc rất cấp thiết và cần thực hiện ngay", ông Bình đánh giá.
Theo bà Victoria Kwakwa, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội trở thành trung tâm chế biến, chế tạo của thế giới. Dự kiến trong vòng 10 năm tới, lượng FDI đổ vào lĩnh vực này sẽ chạm ngưỡng 90 tỷ USD, xấp xỉ 50% GDP của Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam cũng đang hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi như lực lượng lao động dồi dào, chi phí thấp, tham gia vào nhiều hiệp định thương mại cũng như tiềm năng thị trường lớn.
Mặc dù vậy, Việt Nam cần có chiến lược đồng bộ để phát triển lĩnh vực chế biến, chế tạo thông qua đầu tư vào hạ tầng, chất lượng nhân lực, logistic... quan trọng nhất là tạo ra những cơ chế mở nhằm thu hút tốt hơn nữa nguồn đầu tư từ nước ngoài, bà Victoria Kwakwa đưa ra lời khuyên.
Ông Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam.
|