Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không thể nói không cần thiết là bỏ HĐND

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương đang được trình ra Quốc hội thảo luận....

Kinhtedothi - Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương đang được trình ra Quốc hội thảo luận. Trong đó, hầu hết ý kiến đều đồng tình tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình cũ đã bộc lộ nhiều bất cập, nhưng việc lựa chọn một mô hình mới vẫn còn nhiều tranh cãi về hai phương án có tổ chức HĐND ở tất cả các cấp hoặc không tổ chức HĐND ở cấp quận, phường.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Ủy viên UBTV Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Mão cho rằng: Không nên tùy tiện đưa ra quan điểm không tổ chức HĐND ở cấp quận, phường khi chưa có căn cứ thật xác đáng.

.
Không thể nói không cần thiết là bỏ HĐND - Ảnh 1
Không nên mang tổ chức bộ máy Nhà nước ra làm thí điểm

Là một người từng phụ trách vấn đề chính quyền địa phương khi còn làm việc tại Quốc hội, quan điểm của ông trước hai phương án về mô hình chính quyền địa phương đang được bàn thảo ra sao?

- Đây không phải lần đầu tiên vấn đề này được đưa ra trước Quốc hội. Năm 1992, khi sửa đổi Hiến pháp, một trong những vấn đề gay cấn nhất là mô hình chính quyền địa phương. Từ lúc góp ý để sửa đổi Hiến pháp cũng như hiện nay, quan điểm của tôi là hệ thống chính trị phải hoàn chỉnh, mô hình chính quyền địa phương cũng phải hoàn chỉnh, không có lý gì đang hoàn chỉnh chúng ta lại biến nó thành khập khiễng. Tại địa phương, HĐND không chỉ là cơ quan đại diện cho người dân mà còn là cơ quan quyền lực Nhà nước, được người dân địa phương đó bầu ra, ủy quyền quyết định các vấn đề của địa phương và giám sát việc thực hiện quyền lực của các cơ quan Nhà nước ở địa phương.Nhận thức của tôi là phải nghiên cứu để có phương án tốt nhất về đổi mới hệ thống chính trị ở quận và phường. Có nghĩa là, trước hết cần thống nhất vị trí của quận trong hệ thống chính trị được đặt ra như thế nào? Nếu nói rằng, chính quyền đô thị có đặc thù riêng nên không cần HĐND quận, thì một câu hỏi đặt ra là có cần giữ cơ cấu UBND như hiện nay không? Đồng thời, tổ chức chính trị (Đảng), mặt trận và các đoàn thể... có tồn tại như hiện nay hay không?

Tôi cho rằng, đây là vấn đề vô cùng quan trọng mà cách tiếp cận của cơ quan soạn thảo chưa toàn diện và chưa sâu sắc. Vì thế cần phải tính toán kỹ, không thể nói đơn giản, không cần thiết thì bỏ.

Hình như câu chuyện về việc có hay không việc xóa bỏ HĐND ở một số cấp không phải bây giờ mới được đặt ra, thưa ông?

 
Toàn cảnh phiên họp HĐND TP Hà Nội Khóa XIV, Kỳ họp thứ 10. Ảnh: Thanh Hải
Toàn cảnh phiên họp HĐND TP Hà Nội Khóa XIV, Kỳ họp thứ 10. Ảnh: Thanh Hải
- Đúng là có sự tranh luận dai dẳng về vấn đề HĐND có phải là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, có cần tổ chức HĐND ở đầy đủ các cấp chính quyền hay không, âu cũng là điều dễ hiểu thôi. Mỗi người ở góc độ, cương vị công tác khác nhau có thể dẫn đến cách nhìn nhận khác nhau. Những người ở cơ quan hành pháp luôn muốn ở một số cấp không có HĐND để UBND có đầy đủ quyền lực, điều hành nhanh nhạy hết thảy mọi công việc của địa phương. Họ coi như thế mới đạt được hiệu quả cao, vì không mất thời gian, không phải báo cáo, giải trình, không phải chịu sự giám sát của HĐND nữa. Đây là vấn đề rất nguy hiểm, nó sẽ làm cho tình trạng quan liêu, vô cảm, tham nhũng của các công chức trong cơ quan công quyền càng trầm trọng hơn. Một nguyên tắc không thể thay thế của Nhà nước pháp quyền là công tác giám sát.

Vì thế, UBND là cơ quan hành chính, được giao quyền điều hành các vấn đề của địa phương thì phải chịu sự giám sát là điều tất yếu. Nguyên lý này là phổ quát trên toàn thế giới. Điều hiển nhiên là các nước trên thế giới dù mô hình, tổ chức bộ máy có khác nhau nhưng cũng luôn có một thiết chế đại diện cho người dân, thay mặt người dân giám sát việc thực hiện quyền lực Nhà nước tại địa phương.

Quan điểm của cơ quan soạn thảo là tiến tới xây dựng chính quyền đô thị, theo ông, liệu đặc trưng của mô hình chính quyền này có nằm ở việc tồn tại hay không tồn tại HĐND?

- Như tôi đã nói, nếu bỏ HĐND đi thì mô hình chính quyền sẽ như thế nào. Nếu nói rằng chính quyền đô thị thì phải đưa ra mô hình đã, cơ quan hành pháp, các tổ chức đoàn thể sẽ tồn tại ra sao. Nếu chỉ bỏ HĐND đi mà có ngay chính quyền đô thị thì tôi thấy không thuyết phục. Không thể nói rằng, bỏ HĐND thì UBND sẽ gần dân, sát dân hơn. Đó là cách nói không thuyết phục, có người còn cho rằng đó là nguỵ biện. Bởi quyền lực càng nhiều hơn, sẽ càng phát sinh những vấn đề khó kiểm soát. Tôi thấy vừa qua khi tổng kết thí điểm bỏ HĐND cấp huyện (bao gồm cả quận), phường ở một số nơi, người ta chỉ vun đắp cho mặt được, không thấy được mặt trái của vấn đề. Khi tổng kết đều nói không có HĐND thì công việc suôn sẻ hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn... Tôi thì tôi không tin vào những lý lẽ như vậy.

 Hơn nữa, nhìn từ góc độ của người dân, họ phải có người để gửi gắm, kiến nghị. Gửi gắm ĐBQH, đại biểu HĐND cấp tỉnh là đương nhiên rồi, nhưng các đại biểu ấy có khi ở xa quá, có phải lúc nào cũng sát sườn được với dân đâu. Hơn nữa, hãy nhìn vào thực tế hiện nay. Nếu nói rằng HĐND cấp trên sẽ giám sát, nhưng với con số đại biểu ít ỏi, lại phần nhiều kiêm nhiệm, vậy mỗi tổ HĐND sẽ khó đảm đương được công việc. Tôi cho rằng, nếu không có cách nhìn toàn diện, tổng thế. Nếu cách nhìn chưa xa sẽ dẫn đến tình trạng chắp vá. Mang bộ máy Nhà nước ra thí điểm là điều không nên.

Nên có những quy định mới để nâng vị thế của HĐND

Khi đặt ra vấn đề xây dựng Luật, có ý kiến kỳ vọng rằng, Luật sẽ giúp gỡ bỏ những khiếm khuyết của chính quyền địa phương hiện nay. Vậy theo ông, khiếm khuyết ở đây là những gì?

- Đúng là mô hình tổ chức chính quyền hiện nay có những khiếm khuyết. Về hệ thống chính trị vẫn là hệ thống mang nặng tính bao cấp, hành chính sự vụ. Tình trạng công chức làm việc đủng đỉnh theo kiểu "sáng cắp ô đi tối cắp ô về" vẫn còn phổ biến. Bác Hồ đã nói mỗi cán bộ phải là công bộc của dân. Tự hỏi, chúng ta đã làm được bao nhiêu? Sự rèn luyện tu dưỡng đạo đức, phẩm chất năng lực của mỗi con người là yếu tố quyết định nhất nhưng chúng ta cũng chưa làm tốt. Đặc biệt, tiêu cực, tham nhũng còn nhiều và gây bức xúc cho dân.

Với những phân tích như trên, việc xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương lần này cần làm rất công phu. Đến nay, chính thể dân chủ cộng hoà ở nước ta đã tồn tại gần bảy mươi năm và đã làm nên những kỳ tích lịch sử.

Đây là niềm tự hào của chúng ta. Nhưng, điều quan trọng hơn và cấp bách lúc này là tổng kết nghiêm túc cái được và chưa được của chính quyền địa phương, có cách nhìn toàn diện, trong đó không nên định kiến với HĐND mà cần bổ sung những quy định cần thiết để HĐND làm tròn sứ mệnh của mình.

Thực ra tư tưởng muốn bỏ HĐND luôn tồn tại có lẽ cũng còn vì vừa qua ở một số nơi, hoạt động của HĐND vẫn chưa thực sự hiệu quả. Vậy theo ông, nên khắc phục vấn đề này thế nào để HĐND thực sự là cơ quan quyền lực  ở địa phương?

- Nhớ lại trước đây khi sửa đổi Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 1989 cũng là sự kiện quyết định để đưa HĐND từ hình thức quá đáng thành bớt hình thức. Theo tôi nghĩ, lần này thay vì chỉ nghĩ đến việc bỏ HĐND, thì nên tập trung suy nghĩ để bổ sung vào luật những quy định làm cho HĐND các cấp mạnh lên, để cơ quan này thực hiện được đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, đây cũng là nhiệm vụ không đơn giản vì nó phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức, quan điểm của cả hệ thống chính trị, từ Đảng cho đến các cơ quan nhà nước, kể cả Quốc hội. Quan niệm làm thế nào để HĐND mạnh lên sẽ giúp ích rất lớn cho sự lớn mạnh của địa phương.

Theo tôi, khiếm khuyết trong hoạt động của HĐND trước hết là do Luật hạn chế quyền lực của HĐND. Sau nữa là số lượng đại biểu HĐND chưa đủ và phần nhiều đều kiêm nhiệm; giám sát thì không có cơ chế để yêu cầu cơ quan hành pháp, tư pháp thực thi kết luận giám sát… Từ thực tế ấy dẫn đến tính hình thức của HĐND và dễ dẫn đến cảm giác không cần thiết nó. Thực tế cũng cho thấy rằng, để HĐND mạnh, vai trò của Đảng là quyết định, ở đâu, Bí thư Đảng ủy nhận thức đúng đắn về vai trò của HĐND thì nơi đó HĐND sẽ mạnh, nơi nào Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND thì vị thế, tiếng nói của HĐND cũng khác rất nhiều. Tôi cho rằng, việc đổi mới tư duy, nhận thức về vai trò của HĐND muốn đạt hiệu quả như mong muốn thì cần bắt đầu từ các cơ quan cấp cao nhất là Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Trở lại Dự Luật đang được bàn thảo lần này, tôi thấy còn quá nhiều vấn đề tồn tại mà chưa giải đáp được. Ngay vấn đề rất lớn là xác định sự khác nhau của các mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở nông thôn, đô thị và hải đảo thì lại chưa được làm rõ. Chính vì thế Dự án Luât chưa tạo được sự đồng tình, chưa thật sự thuyết phục… Tôi đồng tình tăng thêm quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch UBND TP, đặc biệt là với những địa phương như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nhưng đi kèm với đó phải là sự phân cấp mạnh mẽ hơn của T.Ư và quyền đó phải đi kèm với trách nhiệm cao của người đứng đầu.

Xin cảm ơn ông!