Tuy nhiên, nói như nhiều đại biểu, đây quả thật là một đạo luật khó, dù được đưa ra bàn bạc, nâng lên đặt xuống nhiều năm, nhiều lần với không ít cuộc hội thảo, nhưng vẫn chưa có được những tiếng nói chung. Trong số 33 điều của Dự Luật, thì có đến 32 điều các đại biểu vẫn còn thấy nhiều băn khoăn và cơ quan soạn thảo là Bộ Nội vụ đã xin được “hoãn” thời hạn thông qua để tiếp tục hoàn thiện.
Và một trong những điều khiến các đại biểu (ĐB) băn khoăn là Dự Luật phải có được những quy định để các hội tiến tới bám nguyên tắc "5 T": Tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự trang trải, tự chịu trách nhiệm và như vậy là tự chủ về tài chính.
Theo thống kê của Bộ Nội vụ, tính đến tháng 12/2014 cả nước có 52.565 hội (483 hội hoạt động phạm vi cả nước và 52.082 hội hoạt động phạm vi địa phương), trong đó có 8.792 hội có tính chất đặc thù được Nhà nước đảm bảo về nhân sự, kinh phí, cơ sở vật chất. Chỉ 10 năm trở lại đây, số lượng hội tăng trung bình gấp 2 lần so với 30 năm trước. Các hội mặc dù có thành viên đóng phí, nhưng sự huy động tài trợ từ các nguồn phi ngân sách là hầu như không đáng kể. Trong khi đó, hiện nay chưa có những tiêu chí rõ ràng cho việc phân bổ ngân sách tài trợ cho hoạt động của các tổ chức này. Ngân sách, rốt cuộc, được phân theo kiểu cào bằng, chứ không dựa trên kết quả hay đầu ra hoạt động cụ thể.
Một trong những nghiên cứu hiếm hoi về ngân sách cho các hội - đoàn thể của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), ngân sách (ước tính) mỗi năm chi khoảng 14.000 tỷ đồng cho toàn bộ khối này, tức là lớn hơn dự toán ngân sách năm 2016 của Bộ NN&PTNT (khoảng 11.000 tỷ đồng), gần gấp đôi ngân sách của Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế, chỉ thua Bộ LĐTB&XH và Bộ Tài chính. Nghiên cứu này cũng ước tính, nếu tính đủ cả chi phí kinh tế - xã hội, tức là gồm cả đất đai, nhà cửa, xe cộ và các tài sản khác, chi phí toàn hệ thống của các tổ chức hội đoàn này hàng năm dao động từ 45.600 - 68.100 tỷ đồng, tương đương 1 - 1,7% GDP. Đó là chưa kể đến đội ngũ cán bộ, công chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Quả thật, với con số này, không ngân sách nào nuôi nổi một bộ máy và có nguồn từ ngân sách Nhà nước lớn đến như vậy. Rồi câu chuyện có nhiều Thứ trưởng về hưu xin thành lập hội, rồi xin nhà, xin xe, xin ngân sách, thậm chí xin biên chế, đã được Chủ tịch Quốc hội đề cập đến trong một phiên thảo luận về Dự Luật này khiến không ít người băn khoăn.
Từ nhiều năm nay, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách đã đặt ra những yêu cầu xác đáng về chuyển các hội đoàn thành những tổ chức tự nguyện, phục vụ nhu cầu của các nhóm cộng đồng. Hội đoàn phải tự chủ và tự chịu trách nhiệm về kinh phí hoạt động, bằng cách gây quỹ từ cộng đồng, tìm tài trợ, hội phí. Nhà nước có thể tài trợ một phần kinh phí hoạt động, nhưng là tài trợ dựa trên các tiêu chí rõ ràng và minh bạch, trên cơ sở cạnh tranh và xét đến hiệu quả hoạt động của từng hội đoàn cụ thể. Nhiều ĐB cho rằng, đã đến lúc phải quyết tâm thực hiện cho được vấn đề này, nhất là trong bối cảnh nợ công đang ngày càng gia tăng, nguồn thu lại eo hẹp, hết sức khó khăn, chi thường xuyên lại ngày một gia tăng.
Rất nhiều quan điểm đã được đưa ra, nhưng nhiều ý kiến đồng tình rằng, với một số tiền lớn “bao cấp” cho hoạt động của hội, có lẽ đã đến lúc tạo “cơ chế” để hội tự chủ và tự chịu trách nhiệm về kinh phí hoạt động, bằng cách gây quỹ từ cộng đồng, tìm tài trợ, hội phí. Nhà nước có thể tài trợ một phần kinh phí hoạt động, nhưng là tài trợ dựa trên các tiêu chí rõ ràng và minh bạch, trên cơ sở cạnh tranh và xét đến hiệu quả hoạt động của từng hội đoàn cụ thể. Dù Dự Luật vẫn bị đánh giá là “đuối”, nhưng nhiều người kỳ vọng rằng, trong quá trình tiếp tục hoàn thiện, Luật sẽ giải quyết được điều đó. Đồng thời, có cả những quy định để ngừa lợi dụng hội để nhận tài trợ phi pháp, để huy động tiền không đúng mục đích…