Nhưng những người quen biết họ mới hiểu được rằng, đằng sau những điều tưởng như rất tròn đầy ấy lại là một khoảng trống lớn.
Trong những lần tâm sự với bạn bè, anh thường kể: Ngày chưa cưới, anh đã biết vợ mình là người phụ nữ ham hiểu biết, nhiều tham vọng về công danh, sự nghiệp, anh hoàn toàn ủng hộ những ước nguyện hết sức chính đáng ấy của vợ. Nhưng có điều anh không thể ngờ, chị lại quá ham danh vọng và bi kịch bởi chị nghĩ rằng những bổn phận vốn có của một người vợ quá nặng nhọc, vướng víu.
Ngay sau đám cưới ít ngày, chị được cử đi nước ngoài học. Cơ hội chỉ có một lần, không chớp ngay đồng nghĩa với an phận và chị cũng nhận được ở anh sự ủng hộ. Chị thì thầm với anh: "Chỉ 3 năm thôi, sau đó về chị sẽ làm tròn bổn phận người vợ, người mẹ". Ba năm sau, chị về nước với tấm bằng thạc sĩ, nhưng chị vẫn cảm thấy chưa đủ. Chị lại nói với anh: "Tiện thể em sẽ đi thêm mấy năm nữa để lấy bằng tiến sĩ. Lúc đó, gia đình mình sẽ thực sự hạnh phúc". Anh nói với chị là anh muốn được làm bố, muốn chị hãy vì anh mà chấp nhận thiệt thòi một chút trong công danh. Nhưng chị không chịu, nhất mực ra đi. Hai năm trôi qua cũng nhanh, chị trở về với bằng tiến sĩ và công tác ở một cơ quan có tiếng tại Hà Nội. Không chỉ thăng tiến nhanh trong chuyên môn, chị dành thời gian phát triển khả năng hùng biện, khiêu vũ, giao thiệp rộng... Nhưng đối với gia đình, chị chỉ như khách trọ.
Anh bảo, anh cũng hiểu rất rõ rằng, đã qua rồi cái thời người phụ nữ quanh quẩn trong xó bếp với giặt giũ, thổi cơm, quét nhà… Và anh cũng biết cuộc sống gia đình không phải lúc nào cũng êm đềm mà luôn chứa đựng những va chạm rắc rối. Anh rất thông cảm và ủng hộ chị trên bước đường công danh, nhưng anh không hiểu chị có bao giờ dừng lại để nghĩ để xây dựng một mái ấm hạnh phúc thì chỉ tình yêu thôi chưa đủ. Chỉ có sự tôn trọng, quan tâm, cảm thông, biết hy sinh vì nhau mới giữ gia đình bền vững. Dân gian có câu "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm" là vậy. Anh thèm khát nhìn những đôi vợ chồng đã trải qua những năm tháng hạnh phúc với "một nửa" của mình, họ có cảm giác đó là một người bạn thân thiết, bởi họ luôn nhận được sự hậu thuẫn, chia sẻ, hỗ trợ nhiệt tình của người bạn đời.
Nhìn lại cuộc hôn nhân của mình, anh chỉ thấy sau gần 10 năm là vợ là chồng, hai người như có hai cuộc sống riêng. Cả tuần, chị mải mê với những cuộc họp quan trọng, những buổi tiếp khách không thể bỏ…, còn tối Chủ nhật, chị dành thời gian cho bạn bè, giải trí, có lẽ trong suy nghĩ chị cũng chẳng còn thời gian cho chồng và gia đình. Nhiều khi mơ được ăn cùng nhau một bữa cơm gia đình cũng là điều xa xỉ với anh. Công việc của chị, chị biết, công việc của anh, anh lo… Việc không có con chỉ là nguyên nhân nhỏ, việc vợ chồng không được giãi bày, chia sẻ, cứ thế mất dần đi những điểm chung mới là nguyên nhân lớn khiến anh chị ngày càng xa cách.
Những người bạn thân cũng hiểu điều đó, bởi trong ngôi nhà tiện nghi của họ, chỉ thường xuyên có mặt bà giúp việc. Anh bảo rằng, cuộc sống lạnh lẽo đó khiến anh cũng không thiết về nhà và mải miết giết thời gian ở một quán nhậu nào đó. Ngày nào chợt nhớ đến nhà, anh về sớm, nhưng bước chân vào lại chỉ thấy bà giúp việc, anh không biết trách chị hay trách chính mình đã không biết kiềm chế chị để níu giữ hạnh phúc. Anh bảo không biết chị có bao giờ biết đến việc người phụ nữ lập gia đình không thể trốn tránh nhiệm vụ xây tổ. Có đạt được bằng cấp cao, địa vị, chức vụ, thu nhập... cũng chỉ để cái tổ của mình được êm ấm hơn. Dù có bao nhiêu tiền, vợ cũng không thể thuê người xây tổ cho mình.
Có người bảo anh "giải tán đi", nhưng anh lại thấy tiếc cái thời yêu nhau, tiếc những kỳ vọng vào một mái nhà tràn ngập tiếng cười. Và anh chỉ mong có lúc chị thôi đặt cái tôi của mình lên cao, chị hiểu được rằng, người phụ nữ dù có quyền cao chức trọng đến đâu, vẫn không thể xem là thành đạt nếu gia đình không hạnh phúc, êm ấm, không có bữa cơm ngon... Đàn ông thường được coi là trụ cột gia đình, còn phụ nữ là sợi dây bền chặt, mềm dẻo để giữ cho gia đình là một tổ ấm, cuộc sống dù có hiện đại đến đâu, những điều ấy cũng không bao giờ cũ.
Ảnh minh họa.
|