Nguy cơ hiện hữu
Theo nhiều ý kiến tại Hội thảo, hiện đã xuất hiện các dấu hiệu cho thấy, Việt Nam có thể đang rơi vào BTNTB: Thứ nhất, tăng trưởng chậm lại từ sau năm 2006, khi tăng trưởng giảm xuống còn 5 - 6%, và đất nước trải qua một giai đoạn với bất động sản trầm lắng, lạm phát, nợ xấu; Thứ hai, tăng trưởng dựa trên đầu tư với hiệu quả sử dụng vốn thấp; Thứ ba, tăng lương tại Việt Nam đã lớn hơn nhiều so với mức tăng năng suất lao động, làm chi phí sản xuất trở nên đắt đỏ hơn trong những năm gần đây. Từ năm 2009 - 2012, năng suất lao động tăng với tốc độ trung bình hàng năm là 3,2% cho toàn bộ nền kinh tế, và 5,1% cho khu vực sản xuất, trong khi tiền lương danh nghĩa tăng với tỷ lệ trung bình 25,9% năm, cho toàn bộ nền kinh tế, và 23,5% cho khu vực sản xuất. Khả năng cạnh tranh về chi phí bị mất đi với tỷ lệ hàng năm 22,7% cho toàn bộ nền kinh tế, và 18,3% cho sản xuất; Thứ tư, sự mất giá của VND so với USD trong giai đoạn trên với tỷ lệ 5,5%/năm là quá nhỏ để bù đắp cho tốc độ mất khả năng cạnh tranh của nền kinh tế mỗi năm là 22,7%; Thứ năm, dịch chuyển cơ cấu, năng lực cạnh tranh trong bảng xếp hạng chậm cải thiện.
Thực tế, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, từ năm 2008 đến nay, kinh tế Việt Nam có xu hướng tăng trưởng chậm lại. Năng lực cạnh tranh cả cấp vĩ mô và vi mô chậm được cải thiện. Động lực mà những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh, bị lợi ích nhóm trì kéo và bóp méo, cần có thêm động lực mới…
Nhiều giải pháp để tránh
Ông Rajat Nag - Tổng Giám đốc Điều hành Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhấn mạnh: Tất cả các nước đang phát triển tại châu Á có mức TNTB đều rất dễ rơi vào BTNTB, và Việt Nam không phải là một ngoại lệ. Nhưng Việt Nam có thể thoát ra nếu sớm có các giải pháp và quyết tâm mạnh mẽ. Chính phủ Việt Nam đã nhận ra thách thức này và ngay từ đầu năm 2011, đã thông qua một Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2011 - 2020. Chiến lược của Việt Nam đúng hướng khi đặt quyết tâm tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng còn yếu kém hiện nay, coi trọng mục tiêu tăng trưởng chất lượng thay vì chạy theo số lượng.
Còn theo Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Franz Jessen, mặc dù tốc độ tăng trưởng đã chậm lại trong những năm gần đây do tác động bởi yếu tố khách quan và chủ quan ngắn hạn, Việt Nam có vẻ chưa rơi vào BTNTB. Tốc độ tăng trưởng GDP vẫn ở mức trên 5%, và Việt Nam vẫn còn sức cạnh tranh trong một số ngành công nghiệp xuất khẩu, chẳng hạn như giày dép, dệt may, điện tử, đồ gỗ nội thất, nông nghiệp (cà phê, chè, các loại hạt và các sản phẩm
thủy sản)… Tuy nhiên, ông Franz Jessen nhấn mạnh, Việt Nam cần phải hành động ngay và xây dựng một tầm nhìn dài hạn để có thể loại trừ sự chậm phát triển, gây bất ổn kinh tế tác động tới cả tầng lớp giàu và nghèo trong xã hội. Việt Nam cần đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng và cải cách mạnh mẽ hơn nữa các thể chế chính sách để tạo một môi trường đầu tư lành mạnh, cạnh tranh với mọi thành phần kinh tế.
Thực tế những năm qua cho thấy, để chủ động ứng phó với nguy cơ rơi vào BTNTB, Việt Nam ngày càng quyết tâm triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung vào tạo đột phá toàn diện về thể chế và phát triển nền tảng văn hóa, giáo dục tiên tiến; chủ động hội nhập quốc tế, tạo lập nhanh hơn những trụ cột kinh tế tri thức, kích thích khu vực tư nhân tăng trưởng nhanh và bền vững trên cơ sở tôn trọng đầy đủ các quy luật kinh tế thị trường, xóa bỏ tình trạng độc quyền và những cơ chế chính sách tạo ra bất bình đẳng trong kinh doanh, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực; tách bạch nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, công ích; cải cách toàn diện doanh nghiệp Nhà nước; quy hoạch lại định hướng công nghiệp và phát triển tiến bộ kỹ thuật; ưu tiên phát triển công nghệ thông tin, công nghiệp phụ trợ và tham gia ngày càng vững chắc vào chuỗi cung ứng toàn cầu; giảm mạnh và tiến tới dừng hẳn việc xuất thô tài nguyên, khoáng sản; đẩy nhanh công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn…
Lắp ráp tại Công ty TNHH liên doanh ô tô Hòa Bình. Ảnh: Khánh Linh
|
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), BTNTB xảy ra khi một nước bị mắc kẹt mãi trong khoảng thời gian dài (trung bình trong 42 năm) không vượt qua được ngưỡng thu nhập bình quân đầu người cơ bản từ 4.000 - 6.000 USD/năm. Còn theo Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD), BTNTB là tình trạng một nước có thu nhập trung bình không vươn lên được nhóm có thu nhập cao, tăng trưởng đình trệ, với mức lương tăng lên trong khi tính cạnh tranh về giá cả hàng hóa giảm xuống, nhập siêu trường kỳ, còn xuất khẩu lệ thuộc nhà đầu tư nước ngoài, tỷ lệ đầu tư thấp, ngành chế tạo phát triển chậm, các ngành công nghiệp ít đa dạng và thị trường lao động kém sôi động... |
Theo dự báo của một số tổ chức kinh tế, để từ một nước có thu nhập trung bình trở thành một quốc gia có thu nhập cao, Indonesia có thể phải mất tới 30 năm (từ năm 1990 - 2042); Malaysia dự kiến sẽ lọt vào nhóm nước thu nhập cao vào năm 2020, Trung Quốc vào năm 2026, Thái Lan vào năm 2031, Philippines vào năm 2051, Việt Nam vào năm 2058 và Ấn Độ vào năm 2059... |