Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không thể tuyển lao động theo kiểu “đại trà”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tuyển lao động theo “đại trà” mà không có tiêu chí rõ ràng, lệ thuộc vào nguồn có sẵn mà chưa “đặt hàng” với cơ sở đào tạo một cách có kế hoạch, chưa có hệ thống đánh giá kỹ năng nghề chuẩn...

KTĐT - Tuyển lao động theo “đại trà” mà không có tiêu chí rõ ràng, lệ thuộc vào nguồn có sẵn mà chưa “đặt hàng” với cơ sở đào tạo một cách có kế hoạch, chưa có hệ thống đánh giá kỹ năng nghề chuẩn...

Đó là những hạn chế trong đào tạo và đánh giá kỹ năng nghề mà phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đang vấp phải.

Theo ông Đào Xuân Trường, Phó Trưởng Ban Hội viên và Đào tạo (Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam - VCCI), sự yếu kém tưởng chừng “vô hại” từ phía doanh nghiệp lại chính là nguyên nhân khiến họ không thể chọn được đúng đối tượng cần tuyển dụng, mất nhiều thời gian và chi phí cho việc đào tạo lại lao động. Cũng theo ông Trường, nước ta hiện có hơn 400.000 doanh nghiệp nhưng chỉ có khoảng gần 400 cơ sở đào tạo nghề nằm trong các doanh nghiệp. Điều ấy có nghĩa là chúng ta thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng lao động có tay nghề đáp ứng nhu cầu của thị trường. Chưa kể việc đánh giá và cấp chứng chỉ nghề còn tồn tại nhiều bất cập, không khuyến khích được lớp người trẻ theo học nghề.

Chia sẻ quan điểm này, ông Hoàng Anh - Giám đốc Trung tâm Quản lý chất lượng (Đại học Công nghiệp Hà Nội) cho rằng, trên thế giới, đặc biệt tại các nước phát triển việc đánh giá kỹ năng nghề quốc gia không còn là vấn đề mới mẻ thì ở Việt Nam, ngoại trừ một số lĩnh vực nghề nghiệp mang tính đặc thù, hoạt động đánh giá kỹ năng nghề mới bắt đầu đi những bước đầu tiên. Cách đây hơn một năm, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã được giao triển khai hoạt động thí điểm đánh giá kỹ năng nghề quốc gia thuộc Dự án Giáo dục kỹ thuật và dạy nghề. Mục đích của hoạt động thí điểm triển khai từ tháng 8/2007 đến tháng 3/2008 (áp dụng với hai nghề là Điện dân dụng và Cắt gọt kim loại) là tiến tới hình thành hệ thống đánh giá kỹ năng nghề quốc gia. Mặc dù hoạt động thí điểm này đã xây dựng được hệ thống văn bản pháp lý, bộ công cụ đánh giá kỹ năng nghề... song đáng tiếc là cho đến nay chúng ta vẫn chưa đưa ra được một định hướng rõ ràng cho việc triển khai nhân rộng hoạt động đánh giá kỹ năng nghề như ý tưởng đặt ra ban đầu.

Để tiến tới hình thành hệ thống đánh giá kỹ năng nghề mang tính sâu, rộng và toàn diện, nhiều chuyên gia tâm huyết trong lĩnh vực dạy nghề cho rằng, với thực lực và kinh nghiệm hạn chế như hiện nay thì Việt Nam cần phải tiếp tục học hỏi kinh nghiệm, tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các nước đi trước.

Tại hội thảo “Phối hợp giữa Nhà nước và Doanh nghiệp nhằm nâng cao hệ thống đánh giá kỹ năng nghề hiệu quả”, tổ chức sáng 10/12, đại diện Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, ông Nobuo Matsubara đã giới thiệu Hệ thống đánh giá kỹ năng nghề được áp dụng ở Nhật Bản từ năm 1959 với 137 ngành nghề khác nhau. Đã có 470 nghìn người dự tuyển hệ thống kiểm tra này, trong đó có 170 nghìn người vượt qua kỳ kiểm tra của năm 2005. Tính đến nay đã có 3,3 triệu người được cấp bằng chứng nhận “Người công nhân có tay nghề được chứng nhận”. “Tấm bằng này không chỉ giúp người lao động tự tin hơn với tay nghề của mình mà còn là cơ sở để doanh nghiệp xây dựng chế độ lương thưởng và thăng cấp cho những công nhân có kỹ năng tay nghề cao” - ông Matsubara giải thích.

“Thành công của Hệ thống đánh giá kỹ năng nghề ở Nhật Bản có thể là một gợi ý tốt đối với Việt Nam, nhưng đồng thời chúng ta cũng phải tự tìm tòi đưa ra mô hình phát triển phù hợp với đặc thù nghề nghiệp, đặc điểm kinh tế xã hội và nhu cầu của doanh nghiệp Việt Nam” – ông Trường nhấn mạnh.