Theo đó, Thông tư đã hướng dẫn chi tiết mẫu đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng, mẫu giấy phép xây dựng cho các trường hợp xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình, trong đó có phân ra các loại giấy phép theo giai đoạn, giấy phép cho dự án, giấy phép xây dựng tạm đối với các loại công trình, bao gồm công trình không theo tuyến, công trình theo tuyến, công trình ngầm; cho nhà ở riêng lẻ tại đô thị và nông thôn. Thông tư còn hướng dẫn cụ thể về việc xem xét các điều kiện để cấp giấy phép xây dựng đối với công trình và nhà ở riêng lẻ, theo đó khi xem xét công trình, nhà ở có đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật, cơ quan cấp phép phải căn cứ quy mô, tính chất của công trình, địa điểm xây dựng công trình để đối chiếu với các quy định của pháp luật; có công trình yêu cầu phải đáp ứng nhiều điều kiện, nhưng có công trình yêu cầu chỉ cần đáp ứng một số điều kiện. Tuỳ thuộc vào quy mô, tính chất, địa điểm xây dựng của công trình, nhà ở riêng lẻ đó, cơ quan cấp giấy phép xây dựng xem xét nếu công trình liên quan đến các điều kiện nào quy định tại Điều 5, Điều 6 Nghị định 64/CP thì gửi hồ sơ lấy ý kiến các cơ quan quản lý nhà nước về các lĩnh vực đó và trong thời hạn 10 ngày làm việc các cơ quan này phải có ý kiến về các nội dung thuộc chức năng quản lý của mình; nếu công trình không liên quan đến điều kiện nào thì không phải lấy ý kiến của các cơ quan này. Để xem xét công trình có đáp ứng các điều kiện, Thông tư đã hướng dẫn cụ thể hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đối với các trường hợp xây dựng mới; xây dựng theo giai đoạn; cấp giấy phép xây dựng cho dự án; cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ; cấp giấy phép xây dựng đối với trường hợp cải tạo, sửa chữa, di dời công trình; giấy phép xây dựng tạm; việc điều chỉnh giấy phép xây dựng. Theo quy định của pháp luật về xây dựng, trước khi khởi công xây dựng thiết kế bản vẽ thi công phải được chủ đầu tư tổ chức thẩm định và phê duyệt; do đó khi nộp hồ sơ xin giấy phép xây dựng tất nhiên các bản vẽ thiết kế đã phải có, vì vậy chủ đầu tư chỉ cần lấy ra một số bản vẽ có liên quan để cơ quan cấp phép xây dựng xem xét công trình có đáp ứng các điều kiện về quy hoạch, kiến trúc, đấu nối hạ tầng, trong đó có bản vẽ kết cấu chịu lực nộp cùng với báo cáo kết quả thẩm định và văn bản phê duyệt thiết kế do tổ chức, cá nhân có năng lực thực hiện để chứng minh là công trình đã được thiết kế, thẩm định, phê duyệt theo quy định đảm bảo an toàn công trình. Tổ chức, cá nhân thiết kế phải chịu trách nhiệm về sản phẩm thiết kế do mình thực hiện. Đối với nhà ở riêng lẻ có quy mô từ 3 tầng trở lên hoặc tổng diện tích sàn xây dựng từ 250 m2 trở lên chỉ yêu cầu có bản vẽ do tổ chức, cá nhân có đủ năng lực thiết kế thực hiện, không yêu cầu phải có báo cáo thẩm định, phê duyệt; riêng nhà ở có quy mô dưới 3 tầng, dưới 250 m2 thì hộ gia đình tự tổ chức thiết kế và chịu trách nhiệm về an toàn công trình và công trình lân cận.
Thông tư sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 6/2/2013.