Người dân giăng bản đồ chứng minh trong ranh, ngoài ranh tại một lần tiếp xúc cử tri của tổ đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Huy Khánh |
Dự kiến, sắp tới Thanh tra Chính phủ sẽ có buổi đối thoại với người dân có đất bị thu hồi trong dự án xây dựng KĐTMTT.
Biến dạng ngay từ đầu
Ý tưởng về việc biến bán đảo Thủ Thiêm (lúc đó là quận Thủ Đức nay là quận 2) thành một trung tâm mới của TP Hồ Chí Minh đã có từ những năm cuối thập niên 80 đầu thập niên 90, thế kỷ XX. Sau nhiều năm nghiên cứu và chuẩn bị, ngày 27/5/1996, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh là ông Võ Viết Thanh đã chính thức ký Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ xin phê duyệt quy hoạch xây dựng 1/5000 KĐTMTT diện tích 770ha và khu chuyển dân tái định cư 160ha, tổng cộng là 930ha.
Trên cơ sở Tờ trình của UBND TP Hồ Chí Minh, ngày 4/6/1996, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt ký Quyết định số 367/TTg về phê duyệt quy hoạch xây dựng KĐTMTT với diện tích 930ha; trong đó, khu đô thị mới là 770ha, khu tái định cư 160ha. Đến nay, Quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ vẫn là cơ sở pháp lý tối cao về quy hoạch KĐTMTT.
Sau khi được Chính phủ giao quản lý để có cơ sở giải phóng mặt bằng, ngày 6/3/2002, UBND TP Hồ Chí Minh có Văn bản số 718/UB-ĐT giao UBND quận 2 xác định rõ địa điểm, diện tích và ranh giới giao đất 930ha; chỉ đạo UBND quận 2 nếu thiếu đất thì cho phép điều chỉnh diện tích đất các dự án trên địa bàn quận 2 để đảm bảo đủ diện tích.
Tiếp theo đó, ngày 22/3/2002, Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh có Thông báo số 77/TB-VP truyền đạt kết luận của ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND TP, về triển khai điều chỉnh quy hoạch chi tiết KĐTMTT. Chủ tịch UBND TP giao Kiến trúc sư trưởng TP và Giám đốc Sở Địa chính - Nhà đất cắm mốc giao đủ 770ha đất của KĐTMTT… Trong cùng ngày 22/3/2002, Văn phòng UBND TP có thêm văn bản truyền đạt chỉ đạo của ông Lê Thanh Hải, yêu cầu phải đảm bảo đủ 160ha tái định cư, không nhất thiết một địa điểm, có thể bố trí từ 3 - 4 địa điểm trên địa bàn quận 2.
Như vậy, ngay từ đầu khi chưa tiến hành giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, KĐTMTT đã hoàn toàn biến dạng, không còn như Quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ. Khu tái định cư 160ha theo Quyết định 367 đã không còn, thay vào đó là các khu tái định cư tứ tán khắp nơi.
Biến dạng thứ 2 của quy hoạch KĐTMTT đó là xuất hiện 80ha đô thị chỉnh trang trong Quyết định 6565 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/2000 của UBND TP.
Sự biến dạng của quy hoạch xây dựng KĐTMTT, 160ha đất tái định cư của 15.000 hộ dân biến mất; UBND TP Hồ Chí Minh thu hồi đất ngoài ranh được quy hoạch đã kích hoạt làn sóng khiếu nại của người dân có đất bị thu hồi từ gần 20 năm nay.
Thủ Thiêm vẫn chưa hết “nóng”
Thanh tra Chính phủ đã có kết luận thanh tra về một số nhóm vấn đề trong quá trình thu hồi đất, đầu tư xây dựng KĐTMTT. Một số nhóm vấn đề người dân tập trung khiếu nại từ 20 năm nay như thu hồi đất ngoài ranh, 160ha đất tái định cư bị hô “biến”… đã được Thanh tra Chính phủ làm sáng tỏ một phần nào đó.
Về nhóm vấn đề thu hồi đất ngoài ranh quy hoạch, Thanh tra Chính phủ kết luận TP thu hồi ngoài ranh 4,3ha; về nhóm vấn đề 160ha đất tái định cư, Thanh tra Chính phủ kết luận do giao đất cho hơn 50 dự án bất động sản dẫn đến thiếu đất tái định cư… Mặc dù Thanh tra Chính phủ đã có kết luận thanh tra một số nhóm vấn đề ở KĐTMTT, thế nhưng tình hình ở Thủ Thiêm vẫn chưa hết “nóng”, thậm chí người dân bị thu hồi đất còn khiếu nại cả kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ. Có thể đo độ “nóng” ở Thủ Thiêm bằng cuộc tiếp xúc cử tri của tổ đại biểu Quốc hội (bao gồm ông Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm và bà Trịnh Ngọc Thúy - Phó chánh án Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh) vào sáng ngày 7/10/2019 với gần 500 cử tri quận 2.
Những bức xúc của cử tri vẫn như cũ, không khác so với lúc chưa có kết luận thanh tra. Những người dân có đất bị thu hồi trong dự án xây dựng KĐTMTT vẫn đặt ra 3 nhóm vấn đề cần phải được làm rõ.
Nhóm vấn đề thứ nhất đó là trong ranh và ngoài ranh. Theo kết luận thanh tra, TP có thu hồi 4,3ha ngoài ranh, trong khi đó người dân lại cho rằng TP thu hồi 5 khu phố thuộc 3 phường An Bình, An Khánh và Bình Khánh. Thanh tra Chính phủ kết luận TP chỉ thu hồi 4,3ha ngoài ranh dựa trên cơ sở pháp lý nào; lãnh đạo TP khẳng định 5 khu phố thuộc 3 phường nằm trong ranh KĐTMTT dựa trên cơ sở pháp lý nào?
Nhóm vấn đề thứ 2 và đó là 160ha đất tái định cư của người dân được đề cập trong Quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ hiện tại nằm ở đâu? Trong kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ không hề đề cập đến vấn đề này một cách rõ ràng.
Nhóm vấn đề thứ 3 cần làm rõ là KĐTMTT được quy hoạch bài bản, giải tỏa trắng để xây dựng lại từ đầu nhưng vì sao có 80ha đô thị chỉnh trang?
Thiết nghĩ, những vấn đề người dân có đất bị thu hồi trong dự án xây dựng KĐTMTT cần phải được làm rõ, ai phải chịu trách nhiệm… chỉ khi đó thì mới có thể thuyết phục được người dân hợp tác, đóng góp cho sự hình thành KĐTMTT. Nếu không giải quyết được các vấn đề này một cách rốt ráo thì việc khiếu nại của người dân là khó tránh khỏi.