Khủng hoảng Syria: Biện pháp ngoại giao cần thiết hơn trừng phạt

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từng tuyên bố sẽ áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Nga vì ủng hộ chính phủ Syria, Nhà Trắng sau đó lại đưa ra thông báo ngược lại: Hoãn áp lệnh trừng phạt này và có thể không thông qua trừ phi Moscow có hành vi khiêu khích mới.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin. 

Một quan chức cao cấp của Mỹ tiết lộ, Tổng thống Mỹ Donald Trump quan ngại việc áp đặt lập tức thêm lệnh trừng phạt ngay sau cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu nhằm vào các cơ sở của chính quyền Syria sẽ cản trở nỗ lực đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc chống lại các phần tử Hồi giáo cực đoan, giữ trật tự mạng internet và các vấn đề khác. Giới chuyên gia nhận định, ông Trump lo ngại nếu chính quyền của ông không xử lý một cách thận trọng, căng thẳng giữa Washington và Moscow có thể leo thang một cách nguy hiểm. 

Không chỉ Mỹ, ngay cả đồng minh là Liên minh châu Âu (EU) cũng không tìm được sự thống nhất đối với một lệnh trừng phạt kinh tế với Nga. Trong cuộc họp tại Brussels (Bỉ), các Bộ trưởng Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ sự không mặn mà với khả năng tham gia vào việc áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế mới đối với Nga từ Mỹ trong cuộc họp trước đó của Hội đồng đối ngoại châu Âu tại Luxembourg. Theo đó, các nhà ngoại giao xem xét một lệnh cấm du lịch mới và đóng băng tài sản liên quan đến cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria. Ngoài ra, không hề có các cuộc thảo luận nào về các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. 

Hiện Nga là nhà cung cấp năng lượng lớn nhất của châu Âu. Đặc biệt, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 vừa được Đức và Phần Lan “bật đèn xanh” cho phép xây dựng, mở đường cho việc triển khai thêm đường ống vận chuyển khí đốt trực tiếp từ Nga sang châu Âu mà không cần qua Ukraine. Việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga sẽ giúp châu Âu có nguồn cung ổn định với mức giá hợp lý, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng cho khu vực.

Trong khi đó, trước diễn biến căng thẳng tại Syria, nhiều nhà ngoại giao EU cũng khẳng định, cần tiếp tục đẩy mạnh việc tìm ra phương thức mới để có được một hiệp định ngừng bắn và viện trợ nhân đạo nhờ sự thông qua của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (LHQ). Trước đó, các ngoại trưởng EU đã thảo luận biện pháp để thúc ép Nga hợp tác, đưa chính quyền của Tổng thống Assad ngồi vào bàn đàm phán. Và kết luận này từ Brussels cho thấy EU “kêu gọi các nước đồng minh của chính quyền Syria” phát huy tầm ảnh hưởng của mình đối với chính quyền Assad. Trong tuần tới, EU sẽ tổ chức một Hội nghị tại Brussels bàn về tương lai của Syria nhằm đạt được các cam kết về tài chính cho viện trợ nhân đạo và thúc đẩy một tiến trình hòa bình do Liên hợp quốc khởi xướng. Theo Ngoại trưởng Đức Heiko Maas, một giải pháp ngoại giao vẫn là sự lựa chọn duy nhất cho nền hòa bình lâu dài tại Syria, song cũng cần có “một phương thức khác” để phá vỡ sự bế tắc trong các cuộc đàm phán về Syria do LHQ chủ trì.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần