Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai và các đồng chí lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam Đại tướng Lương Cường; Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa.
Tham dự tại điểm cầu Thành uỷ Hà Nội có Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến; Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo.
13.500 đảng viên được sàng lọc, đưa ra khỏi Đảng
Báo cáo kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2021 được trình bày tại hội nghị cho thấy, với quyết tâm chính trị, tinh thần trách nhiệm cao, toàn ngành tổ chức xây dựng Đảng đã tham mưu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Nổi bật, toàn ngành đã triển khai toàn diện, đồng bộ, hiệu quả các mặt công tác tổ chức xây dựng Đảng; trong đó đã hoàn thành cơ bản tất cả các đề án, nhiệm vụ trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp theo chương trình, kế hoạch công tác.
Tham mưu công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng, đảm bảo nguyên tắc, thận trọng, chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch. Sau Đại hội Đảng, tham mưu bố trí, phân công, sắp xếp 186 lượt Ủy viên Trung ương Đảng, phân công các chức danh Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư khóa XIII; kiện toàn Ban Bí thư khóa XIII. Tham mưu công tác chuẩn bị, tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; kiện toàn các chức danh lãnh đạo Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021 và 2021-2026 đảm bảo thận trọng, kỹ lưỡng, khách quan. Cùng với đó là tham mưu đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”,”tự chuyển hóa” trong nội bộ với mức độ cao hơn, yêu cầu nghiêm khắc hơn.
Tính đến thời điểm 30/6/2021, cả hệ thống chính trị có hơn 2,8 triệu biên chế, giảm hơn 762.800 biên chế (tương đương 20,9%) so với thời điểm 30/4/2015. Thực hiện việc rà soát, sàng lọc đảng viên theo tinh thần Chỉ thị số 28 của Ban Bí thư và Hướng dẫn số 2 của Ban Tổ chức Trung ương. Đến nay có hơn 13.500 đảng viên được sàng lọc, đưa ra khỏi Đảng thông qua hình thức hai trừ hoặc xóa tên.
Về phương hướng năm 2022, toàn ngành Tổ chức xây dựng Đảng sẽ triển khai thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó triển khai thực hiện Chương trình công tác năm 2022 đảm bảo tiến độ, chất lượng, tập trung tham mưu và tổ chức thực hiện 19 Đề án về tổ chức xây dựng Đảng, trong đó có 2 Đề án trình Ban Chấp hành Trung ương, 10 Đề án trình Bộ Chính trị và 7 Đề án trình Ban Bí thư.
Toàn ngành tiếp tục tham mưu, triển khai, thực hiện tốt các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác cán bộ như triển khai xây dựng quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2025-2030, 2026-2031 theo Quy định 50 của Bộ Chính trị; Khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung theo Kết luận 14 của Bộ Chính trị; Kịp thời tham mưu, bố trí, luân chuyển, bổ nhiệm giới thiệu ứng cử bảo đảm tiêu chuẩn, quy trình, quy định của Đảng...
Sớm ban hành những Nghị quyết quan trọng về công tác xây dựng Đảng
Tại hội nghị, nhiều tham luận của các tỉnh ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc làm rõ thêm những kết quả đạt được của các địa phương, đơn vị cũng như những mặt còn hạn chế, bất cập; chia sẻ những kinh nghiệm trong thực hiện công tác tổ chức xây dựng Đảng tại các địa phương, đơn vị.
Đại diện Thành ủy Hà Nội tham luận tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã bày tỏ sự nhất trí cao với báo cáo tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2021 của Ban Tổ chức Trung ương.
Với Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho biết, năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhưng Thành ủy Hà Nội đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra và đạt được kết quả quan trọng. Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; đặc biệt xác định tầm quan trọng của ngành tổ chức xây dựng Đảng, nhất là trong điều kiện năm đầu của nhiệm kỳ nên đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; đồng thời, đội ngũ cán bộ, công chức toàn ngành tổ chức xây dựng Đảng của thành phố đã không ngừng nỗ lực, có những cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, góp phần tích cực vào những kết quả chung của Đảng bộ Thủ đô.
Ngay sau thành công Đại hội XIII của Đảng, Đại hội XVII Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2020-2025, thành phố đã khẩn trương chỉ đạo cụ thể hóa, quán triệt, triển khai nghiêm túc nghị quyết đại hội Đảng các cấp; sớm ban hành 10 chương trình công tác của Thành ủy. Trong đó, Thành ủy chỉ đạo Ban Tổ chức Thành ủy là cơ quan chủ trì tham mưu trình Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố ban hành những chương trình, nghị quyết đặc biệt quan trọng, có tác động rất lớn đến kết quả của cả nhiệm kỳ.
Thành ủy Hà Nội cũng đã tập trung chỉ đạo và đã hoàn thành việc cụ thể hóa, ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận số 21-KL/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Ban Thường vụ Thành ủy đã cập nhật những nội dung trong tinh thần Kết luận số 21 vào nội dung kiểm điểm tự phê bình và phê bình cuối năm 2021 và gợi ý kiểm điểm sâu đối với 8 tập thể và cá nhân lãnh đạo quản lý có liên quan.
Thành ủy Hà Nội cũng đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên tất cả phương diện; đảm bảo đúng quy định của pháp luật, dân chủ, an toàn theo đúng Hướng dẫn số 36 của Ban Tổ chức Trung ương; tiếp tục thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị thành phố theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo đúng chỉ đạo của Trung ương.
Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng công tác phát triển tổ chức Đảng, đảng viên của Đảng bộ thành phố Hà Nội vẫn vượt kế hoạch đề ra; đã thành lập 93/70 tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước (đạt 133%); kết nạp 10.027 đảng viên mới, đạt 102,9% kế hoạch, tăng 12,9% so với năm 2020; thực hiện đổi mới hình thức sinh hoạt chi bộ bằng hình thức trực tuyến trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Đặc biệt, đã chỉ đạo xây dựng 2 phần mềm và các quy định liên quan: Phần mềm đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hằng tháng; phần mềm quản lý cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý triển khai đồng bộ trong toàn thành phố và chính thức từ ngày 1-1-2022.
Năm 2022, bám sát sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Tổ chức Trung ương, Thành ủy Hà Nội sẽ chủ động dự báo tình hình và chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp về công tác tổ chức xây dựng Đảng; kịp thời việc triển khai, quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác tổ chức xây dựng Đảng, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong toàn Đảng bộ. Trong đó sẽ chú trọng công tác kiểm tra, giám sát; kịp thời sơ kết, tổng kết, nhân rộng các điển hình tiên tiến, động viên, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong công tác tổ chức xây dựng Đảng; đồng thời thực hiện cải cách hành chính trong công tác xây dựng Đảng…
Thực hiện chương trình năm 2022 đảm bảo tiến độ, chất lượng
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai ghi nhận, đánh giá cao những kết quả toàn ngành Tổ chức xây dựng Đảng đạt được trong năm qua.
Trưởng ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh, năm 2022 có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 còn nhiều khó khăn. Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những bất cập được chỉ ra, toàn Ngành Tổ chức xây dựng Đảng tiếp tục nỗ lực, quyết tâm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.
Trưởng ban Tổ chức Trung ương đề nghị toàn ngành cần tập trung các nhiệm vụ trọng tâm: Triển khai thực hiện chương trình công tác năm 2022 đảm bảo tiến độ, chất lượng; tập trung tham mưu tổ chức thực hiện 19 đề án về tổ chức xây dựng Đảng trong chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2022 đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả.
Tiếp tục tham mưu thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ; khẩn trương triển khai xây dựng quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2025-2030; 2026-2031 theo Quy định số 50-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Cùng đó, khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, luôn nỗ lực vì lợi ích chung; triển khai nghiên cứu, xây dựng một số cơ chế, chính sách về công tác cán bộ.
Ngành Tổ chức xây dựng Đảng tiếp tục tham mưu đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Tổng kết việc thực hiện quản lý biên chế giai đoạn 2016-2021; đề xuất biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022- 2026. Kiên quyết, kiên trì tham mưu thực hiện đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 tại Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn đẩy lùi, xử lý cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Đồng thời, thực hiện tốt các nhiệm vụ thường xuyên về củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên; tiếp tục làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ; coi trọng nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, bổ sung lý luận về công tác tổ chức xây dựng Đảng. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về xây dựng Đảng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; xây dựng ngành Tổ chức xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đề nghị, đội ngũ cán bộ, công chức toàn ngành nêu cao tinh thần, trách nhiệm, phẩm chất, năng lực, uy tín; nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có bản lĩnh chính trị vững vàng; gương mẫu, công tâm, khách quan, chặt chẽ, thận trọng trong thực hiện nhiệm vụ được giao.