Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khuyến khích nghỉ hưu sớm: Cần có chính sách phù hợp

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù Nhà nước đã ban hành không ít cơ chế khuyến khích người lao động (NLĐ) nói chung và công chức, viên chức (CCVC) nói riêng nghỉ hưu trước tuổi song đến nay tỷ lệ này còn thấp. Xuất phát từ thực tế trên, tại Nghị quyết 118/NQ-CP mới ban hành, Chính phủ giao Bộ Nội vụ đề xuất thêm chính sách khuyến khích CCVC nghỉ hưu sớm. Song, xung quanh vấn đề này đang có không ít băn khoăn, đề nghị cân nhắc từ nhiều phía, để khi chính sách được ban hành sẽ đủ tính khả thi.

Công chức UBND phường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Bảo đảm cuộc sống, công chức mới yên tâm nghỉ hưu sớm
Theo nhiều chuyên gia, trước yêu cầu sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, việc đưa ra chính sách khuyến khích NLĐ lớn tuổi không thuộc diện tinh giản biên chế nhưng nghỉ hưu trước tuổi để tạo điều kiện cho lớp trẻ là hết sức cần thiết, đảm bảo bộ máy Nhà nước hoạt động hiệu quả, tránh lãng phí ngân sách Nhà nước. Gần đây, các địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp khác nhau. Điển hình tại Đà Nẵng, cùng chính sách hỗ trợ của Chính phủ, từ cuối năm 2019, cán bộ tự nguyện nghỉ hưu sớm còn được hưởng một khoản tiền của TP, tùy trường hợp từ 100 - 200 triệu đồng/người. Từ đó, nhiều CCVC tại các cơ quan, UBND quận, huyện đã tự nguyện xin nghỉ trước tuổi. Nhưng không phải địa phương nào cũng đạt kết quả khả quan. TP Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhưng đến nay tỷ lệ CCVC nghỉ hưu sớm vẫn thấp. Một nguyên nhân là phần lớn CCVC có trình độ năng lực đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, để khuyến khích CCVC nghỉ hưu sớm, Bộ Nội vụ nên nghiên cứu có chính sách giúp họ được hưởng tối đa lương hưu và có khoản kinh phí phù hợp khi về nghỉ chế độ. Trước hết, rà soát số biên chế cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, từ đó đánh giá những người nghỉ hưu sớm thuộc đối tượng nào. Riêng với người đang đảm nhiệm tốt công việc nên được giữ tiếp tục công tác. “Bộ cần đánh giá kỹ lưỡng, đưa ra được mô hình vị trí việc làm phù hợp, ứng với số biên chế cụ thể cho từng vị trí, công việc. Khi ấy, chính sách khuyến khích nghỉ hưu sớm mới khả thi” - ông Nguyễn Tiến Dĩnh nhấn mạnh.

Theo nhiều ý kiến, không ít CCVC muốn nghỉ hưu sớm nhưng do thấy điều kiện thu nhập khi về nghỉ còn quá khó khăn nên lại bám trụ hoặc so sánh chế độ khi đi làm và khi nghỉ hưu sớm chưa tương xứng nên sẽ đắn đo. Đặc biệt, với trường hợp không thuộc diện tinh giản biên chế, mức lương hưu được nhận thấp hơn mức lương hưu được hưởng khi nghỉ đúng tuổi chính là một nguyên nhân quan trọng khiến tỷ lệ nghỉ hưu sớm còn thấp. Từ đó cho thấy, các bộ, ngành cần có phương án xây dựng đồng bộ, cụ thể, xem xét chính sách hỗ trợ phù hợp, đảm bảo đời sống CCVC về hưu sớm thì mới đạt hiệu quả. Ngoài chế độ của Chính phủ, mỗi địa phương có một khoản chế độ đặc thù hơn, trợ cấp thêm để CCVC về hưu sớm có thu nhập duy trì cuộc sống.

Đáng chú ý, đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh cho hay, các nước văn minh ngay cả trong khu vực như Singapore, Malaysia…, ngoài đào tạo chuyên môn ngành nghề còn chú ý với những CCVC sắp đến tuổi nghỉ hưu. Theo đó, ưu tiên cho những đối tượng này được chọn ngành nghề đào tạo, để sau khi nghỉ hưu có thể chủ động về sinh kế. Còn ở nước ta, thực tế chưa quan tâm thỏa đáng việc CCVC về hưu sẽ làm gì để đảm bảo cuộc sống. “Rõ ràng đang có một lỗ hổng trong quá trình đào tạo, dường như mới chỉ phục vụ cán bộ thuộc diện quy hoạch, trong giới hạn độ tuổi làm việc, còn với CCVC không được vào quy hoạch thì bị “buông” ra. Như thế là không phù hợp xu thế hội nhập. Chúng ta cần học tập kinh nghiệm quốc tế, để khi đưa những chính sách khuyến khích CCVC về nghỉ hưu sớm thì được nhiều người ủng hộ” - bà Trần Thị Quốc Khánh bày tỏ.

Còn theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc, để chính sách khuyến khích này được hưởng ứng, Nhà nước cần công bố rộng rãi về thủ tục, đơn đề xuất, trình tự, quy định…, song cần thực hiện trên sự sắp xếp của các cơ quan, đơn vị khi dôi dư.

Cần rất thận trọng

Đánh giá việc khuyến khích CCVC về hưu trước tuổi là cần thiết, song nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh bày tỏ quan điểm phải hết sức thận trọng trong xây dựng chính sách này. Nếu không cẩn thận, rất nhiều người năng lực làm việc tốt, kinh nghiệm lâu năm nhưng vì có chính sách được hưởng hỗ trợ nên sẽ xin về sớm tới 3 - 4 năm, ra ngoài làm. Từ đó trụ lại những người làm việc không đạt yêu cầu, khiến khu vực công khó khăn về nhân lực trình độ cao. Vì vậy, rất cần rà soát kỹ để xác định đối tượng nào cần khuyến khích về hưu sớm.

“Năm 2021 chúng ta hướng tới sẽ nâng tuổi hưu cho nữ lên 60, nam 62. Ngay cả thực hiện Nghị định 108/2014/NĐ-CP về tinh giản biên chế cũng thể hiện, nhiều trường hợp người về hưu sớm lại là người làm việc tốt, có khi còn vài năm nữa mới đến tuổi hưu nhưng họ sẵn sàng về trước và khu vực công mất đi nguồn lực” - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ băn khoăn. Từ đó, ông đề nghị không nên ồ ạt khuyến khích thật nhiều người về hưu sớm. Khu vực công vẫn là khu vực kinh tế quan trọng, rất cần những người tài, cần có chính sách để giữ chân họ ở lại; ngoài ra còn xét đến xu hướng kéo dài tuổi hưu.

Đồng quan điểm này, nguyên đại biểu Quốc hội Bùi Thị An bày tỏ: Nếu không cẩn thận sẽ mất tài nguyên chất xám, bởi những người có tài, có năng lực lại nghỉ hưu trước, ra khỏi cơ quan Nhà nước để làm cho tư nhân, không bị bó buộc trong khi có những CCVC không thực sự giỏi mà vẫn cố bám cái “ghế” ở Nhà nước. Đáng nói, để đào tạo đội ngũ chuyên gia giỏi, Nhà nước đã tốn nhiều kinh phí. “Cần phân loại đối tượng, cụ thể nhiều yếu tố để xem người nào cần khuyến khích về hưu trước, làm sao hài hòa, không vi phạm Luật và nhiều quy định khác, nhất là để đảm bảo hiệu quả đào tạo, tránh lãng phí tiền Nhà nước cũng như nguồn lực xã hội. Quan trọng nhất, trước khi xây dựng chính sách này, Bộ Nội vụ cần lấy ý kiến rộng rãi các giới, DN Nhà nước, DN ngoài Nhà nước… ”- bà Bùi Thị An đề nghị.

Khuyến khích CCVC về hưu sớm không có nghĩa khuyến khích những người sắp đến tuổi nghỉ hưu thì đều nghỉ hưu sớm. Việc này phải được đánh giá thận trọng, nếu không sẽ lặp lại vòng luẩn quẩn là khuyến khích người nghỉ nhưng lại tuyển thêm vào, khiến ngân sách vừa mất tiền xử lý cơ chế cho người nghỉ hưu sớm vừa không đạt được mục tiêu tinh giản biên chế.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh

Không phải mọi người về hưu sớm đều khó khăn, đều trông chờ hỗ trợ. Quan trọng là người lãnh đạo các cấp cần nhìn thấu được trường hợp nào cần được quan tâm, để không phải cứ CCVC ra khỏi cơ quan Nhà nước rồi là bỏ đi luôn.

Đại biểu Quốc hội khóa XIV Trần Thị Quốc Khánh