Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khuyến khích tính chủ động, vươn lên của người nghèo

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chiều 22/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về thực hiện chính sách và mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Trong đó, vấn đề thống nhất về chính sách và cơ chế để chống tái nghèo được đặc biệt quan tâm.

Kết quả giảm nghèo chưa bền vững

Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, trong hai năm qua, từ các nguồn vốn khác nhau, hơn 60.000 tỷ đồng đã được đầu tư cho chương trình giảm nghèo. Trong đó, Nhà nước đã bố trí gần 24.000 tỷ đồng hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, gần 6.000 tỷ đồng thực hiện chính sách miễn giảm học phí, 10.700 tỷ đồng phục vụ giảm nghèo bền vững… Từ đó, trên 39.200 người thuộc hộ nghèo được đào tạo nghề, có việc làm; 5 triệu lượt hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện; trên 500.000 hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở; hơn 1 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi sản xuất...

 
Khuyến khích tính chủ động, vươn lên của người nghèo - Ảnh 1

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về giảm nghèo bền vững.Ảnh: TTXVN

Tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% (năm 2010) xuống còn 9,6%  vào cuối năm 2012 (bình quân giảm 2,3%/năm) và mục tiêu năm 2013 là giảm còn 7,6%, bình quân mỗi năm giảm trên 2%.

Tại Hà Nội, lãnh đạo UBND TP cho biết: Trong những năm qua, bằng nhiều giải pháp hỗ trợ như cho vay vốn, hỗ trợ tiền điện, học phí… tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 5,2% (đầu năm 2012) xuống hiện còn 3,6%, tương đương 59.365 hộ.Mặc dù những con số giảm nghèo đạt được khá lớn, nhưng chính lãnh đạo Bộ LĐTB&XH và các địa phương cũng nhìn nhận: Đây chưa phải là kết quả giảm nghèo bền vững. Tại một số vùng, tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức trên 50%, cá biệt có nơi trên 60 - 70%, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 50% cả nước. Khoảng cách chênh lệch về mức độ nghèo có xu hướng tăng. Ngay tại Hà Nội, số hộ nghèo khu vực các huyện chiếm  trên 90% tổng số hộ nghèo. Đồng thời, tại nhiều địa phương số hộ rơi vào cận nghèo có xu hướng gia tăng cũng là điều đáng lo ngại. Trong khi đó, nhiều chương trình hỗ trợ manh mún, chồng chéo, hiệu quả chưa cao.

Có ý kiến cho rằng, các chính sách đều có nguồn lực lớn, nhưng lại phân tán, không tập trung, cùng với đó sự phân cấp chưa mạnh mẽ cho địa phương khiến cho kết quả thực hiện hạn chế. Hiện đã xuất hiện tình trạng không ít người nghèo trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng, thậm chí có tình trạng không muốn vươn lên để được giữ trong danh sách hộ nghèo bởi đang được hưởng nhiều chính sách ưu đãi trực tiếp. Do đó, cần tính lại chính sách hỗ trợ để đảm bảo giải quyết những vấn đề gốc rễ như việc làm, cơ sở hạ tầng…

Giảm dần chính sách “trợ cấp”

Định hướng chính sách giảm nghèo chung trong năm 2013 và những năm tiếp theo được Ban Chỉ đạo T.Ư về giảm nghèo bền vững xác định là giảm dần các chính sách hỗ trợ mang tính trợ cấp, không gắn với điều kiện nhằm khuyến khích tính chủ động, vươn lên của người nghèo. Thời gian hỗ trợ chính sách với hộ nghèo cũng sẽ được quy định cụ thể, nếu xuất hiện hiện tượng trông chờ, ỷ lại, không muốn thoát nghèo sẽ tạm dừng việc hỗ trợ. Cùng với đó, những kiến nghị của các địa phương như tăng nguồn lực đầu tư  để đáp ứng yêu cầu thực tế; tăng chính sách tạo sinh kế cho người nghèo; sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo… cũng được bổ sung để đảm bảo mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cũng nhận định: Hiện cả hệ thống chính trị đã vào cuộc trong chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, tuy nhiên kết quả thực tế vẫn chưa vững chắc, chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng miền lớn… Phó Thủ tướng cho rằng: Các địa phương phải đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền để người dân xác định vai trò và trách nhiệm của mình, tự giác và chủ động trong thực hiện chương trình, chính sách. Không thể để tình trạng người dân "không muốn thoát nghèo" xảy ra. Đồng thời với xác định rõ vai trò hỗ trợ của nhà nước, toàn xã hội chung tay, góp sức để mục tiêu giảm nghèo.

Phó Thủ tướng lưu ý: Các chính sách giảm nghèo dù nhiều, nhưng phải thống nhất với nhau và lồng ghép hiệu quả trong tổ chức thực hiện. Cùng với việc tiếp tục phát huy chính sách hiệu quả, các cơ quan chức năng cũng cần rà soát để điều chỉnh những chính sách còn bất cập. Nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ mới theo hướng mở rộng đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; gắn với tạo việc làm, phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới…