Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kịch câm Việt Nam sẽ có lúc hưng thịnh

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Gặp Kế Đoàn tại quán cà phê ngay gần nhà anh. Nhìn khuôn mặt từng trải với nụ cười tươi luôn hiện hữu trên môi, mấy ai đoán được anh là nghệ sỹ kịch câm chuyên nghiệp duy nhất còn theo nghề hiện nay.

KTĐT - Gặp Kế Đoàn tại quán cà phê ngay gần nhà anh. Nhìn khuôn mặt từng trải với nụ cười tươi luôn hiện hữu trên môi, mấy ai đoán được anh là nghệ sỹ kịch câm chuyên nghiệp duy nhất còn theo nghề hiện nay.

 

- Tại sao anh lại chọn kịch câm làm con đường lập nghiệp của mình khi mà loại hình ấy chưa bao giờ "thịnh" ở ta?

 

Tôi yêu thích kịch nên đã đăng ký học tại Nhà hát Tuổi trẻ khoá 1981 - 1985. Trong quá trình học tôi đã tham gia diễn kịch nói tại đoàn từ năm 1983. Sau khi hoàn thành khoá học, tôi công tác tại Nhà hát Tuổi trẻ cho đến nay và chọn kịch câm làm con đường đi cho mình bởi với tôi, kịch câm có nhiều thử thách luôn bắt tôi phải vượt qua.

 

- Những thử thách đó là gì thưa anh?

 

Như các bạn biết, đối với kịch nói thì những thông điệp gửi đến khán giả qua ngôn ngữ hình thể và ngôn ngữ nói. Nhưng với kịch câm thì chỉ có thể sử dụng hình thể để chuyển tải nội dung của vở diễn. Chính vì vậy mà yêu cầu của một diễn viên kịch câm là phải truyền đạt tối ưu cơ mặt, hình thể để "nói" lên điều không thể nói với khán giả bằng lời. Chưa kể hiện nay, các nhà viết kịch còn "bỏ rơi" kịch câm. Ngoài một số nhà biên kịch viết kịch bản cho kịch câm có thể đếm trên đầu ngón tay, còn lại tự diễn viên kịch câm phải viết lấy vở cho mình.

 

- Mỗi vở diễn kịch câm thường có thời lượng bao nhiêu?

 

Cũng tuỳ, có vở chỉ dài từ 2 phút đến 7 phút. Mới đây, tôi có viết vở kịch câm "Chuyến du lịch của rắn biển" có độ dài 15 phút.

 

- Hiện tại anh là người duy nhất còn diễn kịch câm chuyên nghiệp. Có người gọi anh là "Gã kịch câm số 1 Việt Nam" hay "Chàng hiệp sỹ kịch câm", anh nghĩ gì về điều này?

 

Ban đầu được nhận biệt danh đó tôi cũng cảm thấy khá thú vị, nhưng ngẫm lại lại thấy buồn bởi hiện nay chỉ có mình tôi là theo con đường kịch câm một cách chuyên nghiệp. Nhớ lại khoá học của tôi, đầu vào có đến 20 người, mà hiện nay chỉ còn mình tôi. Nhưng đến giờ tôi vẫn không có ý định bỏ nghề bởi tôi tin, kịch câm Việt Nam sẽ có lúc hưng thịnh. Với niềm tin này, tôi đãtruyền dạy cho các trẻ em câm điếc để các em "nối nghề" cũng là một hình thức hướng nghiệp cho các em.

 

- Câu lạc bộ của anh hoạt động như thế nào?

 

Câu lạc bộ của tôi là nơi vui chơi và học nghề cho những em nhỏ bị khiếm thính bẩm sinh. Nó khác với các lớp học câm điếc khác mà tôi đã tham gia giảng dạy như: Trường dạy trẻ em câm điếc Nhân Chính, trường Xã Đàn, trường Hi vọng, trường Hoa sữa hay trường dạy trẻ em đặc biệt tại Sóc Sơn...vì ở đây, các em không chỉ học giao tiếp mà còn được hướng nghiệp một cách bài bản hoàn toàn miễn phí. Với ý tưởng là định hướng cho các em học một nghề cao cấp vì ngoài dị tật thính giác, các em vẫn phát triển mọi khả năng như người thường.

 

- Để làm được những điều này, anh có cần đến những người cộng sự?

 

Đúng là một mình tôi không thể nào dạy hết cho 25 em học sinh, mỗi em lại có những năng khiếu riêng và yêu thích một loại hình nghệ thuật. Là người hiểu các em, tôi không khó khăn để chia các em ra thành từng nhóm học nghề theo đúng năng khiếu, sở trường từng người. Ngay từ khi thành lập vào năm 2005, tôi đã tìm kiếm những bạn bè cùng ý tưởng để san sẻ công việc. Giờ thì tôi đã có tới 2 cộng sự đắc lực giảng dạy cho các em như họa sỹ Hoàng Hiệp dạy các em nặn tượng và điêu khắc. Họa sỹ Ngọc Anh dạy các em làm tranh sơn mài. Số còn lại có năng khiếu diễn xuất thì tôi dạy múa và kịch câm. Có thể chia sẻ thêm, tất cả những nguyên liệu để vẽ tranh, nặn tượng hay đạo cụ, phục trang biểu diễn đều do chúng tôi tự mang đến chứ không hề thu một đồng học phí của các em.

 

- Dạy cho các em khiếm thính anh có gặp nhiều khó khăn?

 

Cũng có. Các em tiếp thu rất chậm, với các vở diễn dưới 10 phút, tôi mất nhanh nhất là 10 buổi dạy, lâu nhất là 15 buổi. Nhưng những khó khăn trong việc truyền dạy này không phải ở đó mà ở quyết tâm của các em. Có những em thấy việc học quá khó, cũng có những em chưa nhìn nhận thấy lợi ích trước mắt nên hay chán nản. Những lúc đó tôi lại phải động viên các em để các em vững tin theo nghề.

 

- Thế anh đã có những động thái gì để hướng nghiệp cho các em?

 

Chúng tôi thường xuyên tổ chức các buổi biểu diễn tại các đình, chùa hay các lễ hội nhỏ. Trước tiên tôi muốn cho khán giả biết đến có một đội múa, kịch như thế. Rất may là sau mỗi buổi biểu diễn, chúng tôi đã nhận được sự động viên và ủng hộ của nhiều người. Các em nặn tượng và vẽ tranh tuy chưa có thành phẩm để bán được nhưng những sản phẩm của các em đang dần hoàn thiện, tôi cho đó là những tín hiệu tốt ở bước đầu vào nghề.

 

- Vừa lo dạy các em, anh vừa phải đi tìm kiếm các nguồn tài trợ để phần nào duy trì hoạt động của trung tâm. Có khi nào anh thấy nản lòng?

 

Tôi làm việc này với ý nghĩa nhân đạo chứ không hề nghĩ đến lợi nhuận cá nhân, chính vì vậy mà mỗi việc tôi làm được đều mang đến cho tôi niềm tin để bước tiếp. Nhìn sự trưởng thành của các em, tôi tin rằng một ngày nào đó, trung tâm sẽ phát triển tốt để các em nhỏ kém may mắn có thể đến học và có nghề nghiệp cho tương lai của mình.

 

- Xin cảm ơn anh và chúc anh sớm hoàn thành tâm nguyện!