Kích cầu du lịch: Thiếu liên kết là trở ngại lớn nhất

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sở VHTT&DL Hà Nội và Tổng Cục Du lịch vừa triển khai Chương trình kích cầu du lịch 2013, vậy các doanh nghiệp (DN) du lịch lữ hành Hà Nội sẽ hưởng ứng ra sao? Trong quá trình thực hiện hoạt động này các DN cần sự hỗ trợ của các ngành, địa phương như thế nào?

Kích cầu du lịch: Thiếu liên kết là trở ngại lớn nhất - Ảnh 1

Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ (CLB) lữ hành Hà Nội UNESCO về vấn đề này.

Các DN lữ hành Hà Nội đã hưởng ứng như thế nào với chương trình kích cầu du lịch năm nay, thưa ông?

- Ngay sau khi chương trình được công bố, hơn 200 hội viên CLB lữ hành Hà Nội UNESCO đã có nhiều hoạt động hưởng ứng. Các DN đã ký cam kết cùng giảm lợi nhuận đối với một số tuyến nhưng giữ nguyên chất lượng để kích cầu du lịch ngay trong "mùa" cao điểm hè 2013. Hiện một số DN đã đưa ra mức giảm giá từ 500.000 đồng đến gần 3 triệu đồng/tour với các tuyến du lịch biển đảo được ưa thích như Côn Đảo, Phú Quốc, Nha Trang, Phan Thiết… Đặc biệt, các tuyến miền Bắc, miền Trung đang có mức giá giảm khá sâu, khoảng 3 - 4 triệu đồng/tour. Ngoài ra, nhiều DN đã cam kết sẽ giảm giá từ 10 - 40% cho một số tour vào mùa du lịch thấp điểm tháng 9 - 10. Vừa qua, 50 DN du lịch Hà Nội là hội viên CLB đã tổ chức đoàn khảo sát các tuyến, điểm du lịch tại miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An… Qua đó, các DN đã tìm ra giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm giá tour cho du khách khi đi nghỉ mát tại khu vực này.

Trong quá trình xây dựng các chương trình kích cầu du lịch, các DN lữ hành đang gặp khó khăn gì, thưa ông?

- Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp liên quan đến nhiều ngành, nhưng hiện nay việc thiếu liên kết giữa DN cung ứng dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, vận chuyển là một trong những trở ngại lớn nhất mà các DN du lịch lữ hành gặp phải.

Kích cầu du lịch: Thiếu liên kết là trở ngại lớn nhất - Ảnh 2

Khách du lịch tại phố Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội. Ảnh: Hoài Nam

Chẳng hạn, khi Vietnam Airlines giảm giá vé máy bay tuyến Hà Nội - Cần Thơ, lượng khách du lịch mua tour sông nước miền Tây tăng mạnh do chi phí giảm gần 50%. Nhưng khi Vietnam Airlines giảm khuyến mại và tăng giá vé thêm 20 - 30% đã khiến khách giảm mua tour. Bên cạnh đó, tình trạng "chặt chém" khách; Tăng giá dịch vụ trong "mùa" cao điểm tại một số địa phương cũng khiến việc thu hút khách gặp nhiều khó khăn. Trong khi giá dịch vụ du lịch của các nước xung quanh lại có xu hướng giảm đã khiến du khách trong nước chọn mua tour nước ngoài, thay cho tour nội.

Để khắc phục những trở ngại này, từ đó hỗ trợ DN du lịch đẩy mạnh hoạt động kích cầu, trong thời gian tới ngành du lịch cũng như các ban, ngành có liên quan nên có giải pháp hỗ trợ như thế nào?

- Để chương trình kích cầu du lịch triển khai có hiệu quả, các DN kinh doanh du lịch rất cần có sự vào cuộc của các DN cung ứng dịch vụ có chính sách giảm giá, các hãng hàng không ngoài việc đưa ra những chương trình khuyến mại, nên đẩy mạnh giảm giá các chuyến bay theo tour vào mùa thấp điểm để kích cầu. Đồng thời, các ban, ngành, địa phương có hình thức xử phạt nặng những DN cố tình làm ảnh hưởng đến hoạt động kích cầu, thực hiện không đúng cam kết giảm giá dịch vụ, tour; kiên quyết xử lý tình trạng "chặt chém", ăn xin, bán hàng rong chèo kéo, lừa đảo khách du lịch... Ngành giao thông nên tạo điều kiện để xe chở khách du lịch lưu thông trên một số tuyến phố trong nội đô. Ngành Công Thương Hà Nội nên liên kết chặt chẽ với ngành du lịch trong việc phát động chiến dịch bán hàng giảm giá thông qua Tháng khuyến mại Hà Nội 2013. Một số chính sách liên quan đến việc miễn, giảm thuế VAT, thuế thu nhập cho những DN tham gia chương trình kích cầu; tăng cường các chương trình giới thiệu và quảng bá xúc tiến thương hiệu tại các hội chợ quốc tế… cũng cần được Bộ VHTT&DL tiếp tục hướng dẫn cụ thể, thiết thực hơn để hỗ trợ ngành du lịch.

Xin cảm ơn ông!