Kiểm soát bội chi rốt ráo và quyết liệt hơn

TS Nguyễn Minh Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bội chi ngân sách Nhà nước (NSNN) là căn bệnh mãn tính của mọi quốc gia, nhưng đối với Việt Nam gần đây, vì nhiều lý do, có xu hướng tăng đáng ngại.

Theo Báo cáo của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội tháng 3/2016, bội chi NSNN năm sau cao hơn năm trước, không đạt mục tiêu đề ra.
Cụ thể, năm 2011 mức bội chi là 4,4% GDP, năm 2012 là 5,4% GDP, năm 2013 là 6,6% GDP, năm 2014 là 6,61% GDP và năm 2015 ước là 6,11% GDP thay vì mức kế hoạch cho phép là dưới 5%. Các khoản chi ngoài ngân sách cũng gia tăng nhanh chóng.
Sức ép tăng chi
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính chung cả năm 2016, ước thu NSNN chỉ tăng 6,1%, Chính phủ vẫn đứng trước sức ép tăng chi NSNN ngày càng lớn, trong khi NSNN còn nợ nhiều khoản chi chưa có nguồn thanh toán: Nợ xây dựng cơ bản; Nợ hai Ngân hàng chính sách; Nợ các chính sách đã ban hành…
 Hoạt động nghiệp vụ tại Kho bạc Nhà nước Hà Nội. 
Bội chi NSNN luôn ở mức cao do xu hướng tốc độ tăng chi cao hơn tốc độ tăng thu và xu hướng giảm nhanh tỷ lệ huy động vào NSNN từ GDP so với giai đoạn trước. Bội chi NSNN có lực đẩy khó cưỡng từ nợ công tăng nhanh, đồng thời cũng là nguyên nhân trực tiếp làm tăng áp lực nợ công. Bội chi có nguồn gốc không chỉ sự phình ra của bộ máy quản lý Nhà nước và hệ thống chính trị nhận tài trợ chi thường xuyên từ NSNN, mà còn từ sự lãng phí, quản lý chi tiêu công kém hiệu quả và các sai phạm về quản lý tài chính ngân sách.
Cẩn trọng với bội chi NSNN và những hệ lụy tiêu cực khó lường của mất cân đối NSNN kéo dài, bảo đảm an toàn tài chính vĩ mô và an ninh quốc gia phải trở thành nhận thức và mục tiêu chung, đòi hỏi sự nỗ lực của từng đơn vị, cá nhân trong bộ máy Nhà nước và hệ thống chính trị trong tất cả các lĩnh vực, địa phương.
Để kiểm soát tốt bội chi NSNN, trước mắt, Chính phủ cần có giải pháp cương quyết hơn theo hướng tăng thu, tiết kiệm chi, giảm bội chi; tăng tỷ trọng vay trung hạn và dài hạn với lãi suất phù hợp, rà soát để tái cơ cấu danh mục nợ nhằm kéo dài kỳ hạn nợ; giảm nghĩa vụ trả nợ lãi, kiểm soát chặt chẽ các khoản bảo lãnh Chính phủ, các khoản nợ của chính quyền địa phương, nợ xây dựng; thống nhất công tác quản lý nợ nước ngoài, các khoản vay của Chính phủ vào một đầu mối nhằm theo dõi, quản lý và đánh giá hiệu quả sử dụng vốn đúng quy định. Đặc biệt, chi NSNN đảm bảo tiết kiệm, các khoản chi phải được dự toán; kiên định điều hành lộ trình giảm bội chi NSNN và nợ công trong giai đoạn 2016 - 2020 theo Luật NSNN năm 2015, có hiệu lực từ năm 2017, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia...
Tăng hiệu quả từng đồng vốn ngân sách
Bên cạnh việc tăng cường phân công, phân cấp quản lý NSNN hợp lý và minh bạch hơn, thì tiết kiệm NSNN, nhất là giảm chi thường xuyên là mục tiêu và giải pháp nổi bật trong Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2016.
Đặc biệt, cần đề cao kỷ luật NSNN, kiên quyết không đề xuất, phê duyệt các dự án và các khoản chi phát sinh ngoài dự toán NSNN đã phê duyệt, các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu có nội dung trùng lặp, kém hiệu quả, thiếu tính khả thi; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và xây dựng dự án, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính và trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu, sự lạm dụng kẽ hở luật pháp và hành xử quản lý NSNN theo lối tư duy nhiệm kỳ và lợi ích nhóm; tăng giám sát và hạn chế tối đa việc chỉ định thầu các dự án đầu tư, mua sắm công; đẩy mạnh xã hội hóa, phân cấp và tự chủ về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, tiếp tục tinh giản biên chế hành chính,
Về trung hạn, cần đặc biệt quan tâm chấp hành đúng dự toán chi và các quy định quản lý chi NSNN theo luật NSNN; quy trách nhiệm và áp đặt chế tài thật nghiêm khắc cho những cá nhân và đơn vị có trách nhiệm trực tiếp quản lý chi NSNN. Đồng thời, giảm chi thường xuyên gắn với tinh giản biên chế và kiện toàn bộ máy, nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ công chức, viên chức; tiếp tục đổi mới nhận thức về đầu tư công, tăng cường phối hợp đồng bộ với các biện pháp tiền tệ- tín dụng, giảm thiểu các lĩnh vực mà Nhà nước đầu tư để đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư. Sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho công tác quy hoạch và tập trung rà soát, nâng cao chất lượng quy hoạch và chất lượng các dự án đầu tư công; nhận diện và kiên quyết loại bỏ những dự án trùng lặp, không hiệu quả, không cần thiết, không đủ điều kiện triển khai hoặc chưa rõ nguồn vốn thực hiện khả thi; tăng cường kiểm soát nợ công, không biến nợ tư thành nợ công và chấm dứt cảnh Quốc hội phải thông qua quyết toán NSNN vì “sự đã rồi” trong chi tiêu NSNN, gây căn bệnh mãn tính kéo dài mang tên bội chi NSNN…