Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiểm soát chặt chất lượng rau an toàn

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù diện tích và năng suất rau xanh của Hà Nội liên tục tăng, song vấn đề chất lượng, ATTP mặt hàng này vẫn rất đáng lo.

Thu hoạch rau an toàn tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn TP hiện có trên 32.800ha canh tác rau màu, tăng khoảng 5% so với đầu năm 2019. Cùng với diện tích, năng suất rau hiện đạt gần 218 tạ/ha, cũng tăng gần 2% so với đầu năm 2019. Đáng chú ý, Hà Nội hiện có khoảng 5.000ha rau an toàn. 208 DN tham gia ký kết các hợp đồng tiêu thụ trung bình 42 tấn rau an toàn/ngày. Giá cả bán ra ổn định và cao hơn so với ngoài thị trường 1.000 - 2.000 đồng/kg, tránh được hiện tượng “được mùa rớt giá”. Giá trị sản xuất rau an toàn tại các vùng sản xuất cao hơn 10 - 20%.
Diện tích và năng suất đều tăng, tuy nhiên, chất lượng rau an toàn vẫn còn là vấn đề đáng lo ngại. Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, trong năm 2019, đơn vị đã triển khai lấy 1.025 mẫu rau an toàn để kiểm tra các chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Theo đó, vẫn còn 33/1.025 mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép (chiếm 3,2%). Đối với 125 mẫu rau sơ chế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, qua giám sát, Chi cục cũng phát hiện 2 mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng tối đa cho phép. Trong khi đó, lấy 70 mẫu giống (lúa, ngô, rau) gửi Trung tâm khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia để kiểm nghiệm chất lượng giống, Chi cục xác định có đến 10 mẫu không đạt yêu cầu…
Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, kết quả giám sát chất lượng năm 2019 cho thấy, vấn đề rau an toàn vẫn tiềm ẩn nhiều mối lo cho sức khỏe cộng đồng. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm 2020, Chi cục đã chỉ đạo các trạm bảo vệ thực vật phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác dự tính, dự báo, kiểm tra phát hiện sớm dịch bệnh. Đảm bảo diện tích gieo trồng với cơ cấu các giống có năng suất, chất lượng cao.
Bên cạnh đó, Chi cục cũng khuyến khích các địa phương mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn được kiểm soát. Đồng thời phát triển thêm các chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ rau an toàn thông qua các kênh phân phối, hình thành thêm các nhóm tiêu thụ rau an toàn tại các khu dân cư. Đại diện Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết thêm, trong năm 2020, đơn vị sẽ tiếp tục thử nghiệm sử dụng màng phủ không dệt (màng phủ Passlite) nhằm hạn chế sâu bệnh trên rau ăn lá. Đây là phương thức bảo vệ cây trồng mới, có ý nghĩa trong nỗ lực giảm thiểu việc sử dụng nilon trong sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường sinh thái theo chủ trương chung của TP.