Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiểm soát chặt dịch bệnh trên thủy sản

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 4/12, Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch bệnh trên tôm nước lợ đã tổ chức buổi họp đầu tiên sau khi có được thành lập theo Quyết định số 5018/QĐ-BNN-TY ngày 21/11/2014 của Bộ NN&PTNT.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch bệnh trên tôm nước lợ, tổng xuất siêu của cả ngành nông nghiệp nước ta tính đến hết tháng 11/2014 đạt được 8,2 tỷ USD. Trong đó, chủ yếu là từ ngành thủy sản với hơn 5 tỷ USD. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu của ngành thủy sản chỉ ở mức thấp, chưa đến 1 tỷ USD nguyên liệu để chế biến (chưa tính nhập khẩu thức ăn chăn nuôi). "Nếu cứ đà tăng trưởng mạnh mẽ như hiện nay, sang năm 2015 xuất khẩu thủy sản của chúng ta sẽ cán đích 8 tỷ USD như chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2020 đã đề ra" - ông Vũ Văn Tám nhận định. 

Mặc dù vậy, hiện nay, điều mà cả doanh nghiệp lẫn nông dân đều lo lắng là dịch bệnh trên thủy sản, chủ yếu trên tôm nước lợ như bệnh đốm trắng, gan thận… gây thiệt hại và ảnh hưởng tới mục tiêu xuất khẩu. Do đó, việc ra mắt và đưa Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch bệnh trên tôm nước lợ vào hoạt động là một bước để hướng tới kiểm soát hoạt động nuôi trồng, chế biến thủy sản an toàn, gia tăng giá trị xuất khẩu.

Tại cuộc họp đầu tiên, đại diện Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch bệnh trên tôm nước lợ cho biết, Ban sẽ cùng các địa phương định hướng về mùa vụ, giống cũng như quy hoạch để điều tiết một cách nhịp nhàng, thích ứng với thị trường, trong đó đặc biệt đề cao nhiệm vụ quan trắc, cảnh báo sớm về môi trường và dịch bệnh.

Sắp tới, Bộ NN&PTNT sẽ phê duyệt đề án quan trắc môi trường và phòng trừ dịch bệnh trên thủy sản, tập trung chủ yếu cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đối với các đối tượng chủ lực gồm tôm, cá tra và nhuyễn thể.