Truy xuất tận gốc Theo ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, hiện tại, có 11 nước được phép xuất khẩu rau quả và các loại nông sản có nguồn gốc thực phẩm vào Việt Nam. Trong số này, có 8 nước vào danh sách chính thức được xuất khẩu gồm Hoa Kỳ, Pháp, Canada, Australia, New Zealand, Chi Le, Thái Lan và Hàn Quốc. Còn lại 3 nước là Trung Quốc, Lào, Campuchia tuy hồ sơ chưa hoàn chỉnh nhưng do giao thương lâu dài nên vẫn được xét vào danh sách chấp nhận tạm thời để hoàn thiện hồ sơ đăng ký đến hết ngày 31/12 tới. Ông Phùng Hữu Hào khẳng định Việt Nam có thể tiến hành kiểm tra từ gốc các sản phẩm xuất khẩu vào Việt Nam khi phát hiện những lô hàng không đáp ứng yêu cầu. Việt Nam có quyền thành lập đoàn kiểm tra sang làm việc tận nước xuất khẩu hoặc kiểm tra cơ sở xuất khẩu. Liên quan đến vụ việc tạm nhập tái xuất 108 tấn chân gà tại cảng Hải Phòng, ông Phạm Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết số chân gà “thối” do Công ty trách nhiệm hữu hạn Chế biến xuất khẩu thủy sản Quảng Ninh nhập khẩu từ Ấn Độ, vào Việt Nam để chế biến xuất sang Trung Quốc. Ngay khi phát hiện các dấu hiệu không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với lô hàng này, Cục Thú y đã lấy mẫu, kiểm tra và phát hiện không đạt yêu cầu. Theo ông Đông, hiện 108 tấn chân gà đã được Hải quan Hải Phòng bàn giao cho Hải quan cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, hàng được niêm phong tại kho. Cục Thú y đã thành lập đoàn kiểm tra phối hợp với doanh nghiệp nhập khẩu và Hải quan Quảng Ninh lập biên bản thống nhất, tái xuất lô hàng trước ngày 10/12 tới. Ông Phạm Văn Đông cho rằng việc quản lý thực phẩm trôi nổi còn nhiều khó khăn do chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, giết mổ thủ công nhiều, xuất hiện ở hầu khắp các nơi, từ vỉa hè cho tới chợ cóc, trong khi ý thức của người giết mổ, kinh doanh rồi nhận thức của người tiêu dùng còn hạn chế. Thời gian tới, Cục Thú y cùng các cơ quan địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ về thống kê, đánh giá phân loại xử lý các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm, tăng cường kiểm tra các cơ sở giết mổ không đảm bảo yêu cầu về vệ sinh thú y. Cung ứng đủ thực phẩm trong dịp Tết Ông Đoàn Xuân Hòa, Cục phó Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối, thời điểm Tết Nguyên đán 2012 đã đến gần, ngành sẽ cố gắng duy trì để giữ cho các loại lương, thực phẩm không bị trượt giá. Các đơn vị sẽ theo dõi sát tình hình sản xuất, tiêu thụ và diễn biến thị trường các mặt hàng nông, lâm thủy sản, nhất là các mặt hàng lương thực và thực phẩm thiết yếu như gạo, đường, muối. Theo ông Hòa, lượng rau, củ quả hiện vẫn đáp ứng đủ, mặt hàng đường các nhà máy cũng đã đi vào sản xuất từ tháng 11 vừa qua nên cơ bản đáp ứng nhu cầu trong dịp Tết sắp tới. Đối với phát triển chăn nuôi, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đàn trâu và đàn bò cả nước giảm nhẹ so với năm ngoái. Riêng đàn bò sữa vẫn phát triển; tại thời điểm 1/10 vừa qua, đàn bò sữa cả nước hiện có 142.000 con, tăng 14.000 con so cùng kỳ. Trong khi đó, nhờ dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn nên đàn lợn và gia cầm gia tăng đáng kể. Theo số liệu thống kê sơ bộ, tính đến 1/10 vừa qua, cả nước có khoảng 27,1 triệu con lợn, tăng 755.000 con so với thời điểm 1/4/2011. Đàn gia cầm cả nước có khoảng 322 triệu con, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2010. Mặc dù trong tháng 10 vừa qua giá thực phẩm có giảm nhưng hiện nay giá gà thịt và gà giống đang tăng trở lại, tạo tâm lý tốt cho người chăn nuôi yên tâm ổn định sản xuất. Hiện tại, ở miền Bắc, so với tháng trước, giá thịt lợn hơi xuất chuồng tăng 10,8%, bình quân là 56.500 đồng/kg; gà thịt công nghiệp lông trắng dao động trong khoảng 29.000-42.000 đ/kg, vịt thịt khoảng 43.500 đ/kg, giá thịt bò dao động trong khoảng 170.000-180.000 đ/kg. Tại miền Nam, lợn thịt xuất chuồng nuôi tại các trang trại, giá bán bình quân vào khoảng 52.000 đồng/kg, gà công nghiệp khoảng 34.500 đ/kg, vịt thịt 40.000 đ/kg…/.