Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiểm soát lạm phát vẫn chưa bền vững

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đối với người tiêu dùng, một chủ thể quan trọng trong cơ chế thị trường thì kiểm soát lạm phát là vấn đề trực tiếp và quan trọng nhất, bởi nó liên quan đến mức sống hàng ngày của họ.

Đối với người tiêu dùng, một chủ thể quan trọng trong cơ chế thị trường thì kiểm soát lạm phát là vấn đề trực tiếp và quan trọng nhất, bởi nó liên quan đến mức sống hàng ngày của họ. Tuy nhiên, các chủ thể trên thị trường còn có các nhà đầu tư sản xuất kinh doanh, các nhà hoạch định chính sách vĩ mô… nên giá cả được nhiều người quan tâm.

Thành công trong kiểm soát lạm phát

Trong 6 tháng qua, tuy còn có những hạn chế, bất cập và còn đứng trước những thách thức không nhỏ, nhưng kinh tế vẫn đạt được những kết quả tích cực. Trong các kết quả tích cực đó, thì việc kiểm soát lạm phát có thể được coi là thành công. Thành công nổi bật của việc kiềm chế lạm phát được nhận diện dưới nhiều góc độ. Theo đó, CPI sau một năm (tháng 6/2014 so với tháng 6/2013) tăng 4,98%, đều ở mức thấp so với các tháng trước đó. Bình quân 6 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước,  CPI tăng 4,77%. Theo nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, CPI tăng chủ yếu ở dịch vụ y tế (khi TP Hồ Chí Minh điều chỉnh giá này), ở thực phẩm, một số dịch vụ văn hóa, giải trí, du lịch, nhà ở và vật liệu xây dựng… Trong khi đó, ở Hà Nội, CPI tháng 6 tăng thấp (0,02%) và sau 6 tháng chỉ tăng 1,08%, thấp hơn tốc độ tăng chung của cả nước.
CPI 6 tháng từ 2002 đến nay (Đơn vị: %). Nguồn: Tổng cục Thống kê
CPI 6 tháng từ 2002 đến nay (Đơn vị: %). Nguồn: Tổng cục Thống kê
Như vậy, dù nhận diện dưới góc độ nào, thì CPI tháng 6 và 6 tháng năm 2014 cũng thuộc loại thấp trong hàng chục năm qua. Diễn biến trong 6 tháng là tín hiệu khả quan để đạt được mục tiêu kiểm soát chỉ số CPI (7%), mà có thể còn ở mức thấp nhất từ 2002 đến nay.

Những thách thức phía trước

Kiểm soát lạm phát được coi là thành công, nhưng cùng với đó cũng đặt ra 2 vấn đề cần phải giải quyết. Thứ nhất, có người cho là Việt Nam đã rơi vào thiểu phát (giá tiêu dùng giảm) sẽ kéo theo tăng trưởng kinh tế bị suy giảm, từ đó kiến nghị phải kích cầu đầu tư và tiêu dùng. Tuy nhiên, có thể thấy đây mới chỉ là tăng thấp hơn cùng kỳ trong các năm trước, chưa phải là giảm, hay chưa thể gọi là thiểu phát. Nếu lũy kế từ năm 2004 đến nay, CPI bình quân năm vẫn tăng ở mức hai chữ số, tức là đồng tiền hàng năm vẫn còn bị giảm giá trên 1/10. Tốc độ tăng tích lũy đầu tư và tiêu dùng cuối cùng thấp hơn tốc độ tăng GDP; tỷ lệ tích lũy, đầu tư, tiêu dùng cuối cùng/GDP đã giảm nhanh trong mấy năm qua. Kích cầu đòi hỏi phải có nguồn lực, trong khi ngân sách vẫn còn bội chi. Nếu kích cầu sẽ dẫn tới tăng nợ và dễ bị cộng hưởng với việc tăng dư nợ tín dụng dồn vào cuối năm, cùng với việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng cộng hưởng với biến động giá vàng, giá USD trước diễn biến phức tạp ở Biển Đông tác động đến tâm lý… Do vậy, không thể chủ quan, lơ là với lạm phát. 

Thứ hai, hiệu ứng phụ của những giải pháp kiềm chế lạm phát. Tăng trưởng tín dụng thấp rất xa so với tăng trưởng huy động do người dân vẫn chọn việc gửi tiền vào ngân hàng mà không đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Mặt khác, việc tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp gặp khó khăn do nợ cũ chưa trả chồng lên nợ xấu, khiến tiêu thụ tăng thấp hơn sản xuất và tồn kho vẫn tăng cao hơn sản xuất… Tăng trưởng kinh tế cần phải cao lên trong năm 2014 (tăng 5,8%) và phục hồi trong năm 2015 (6 - 6,2%) theo Chỉ thị xây dựng kế hoạch 2015 của Thủ tướng Chính phủ. Phục hồi để chống nguy cơ tụt hậu xa hơn và để thực hiện mục tiêu tổng quát đến năm 2020; phục hồi để tăng nội lực cộng với đa phương hóa, đa dạng hóa trước diễn biến phức tạp ở Biển Đông.