Nợ công tiếp tục là vấn đề "nóng" trên nghị trường trong phiên trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Nóng là bởi nhiều dấu hiệu cho thấy "độ nóng" nợ công của Việt Nam đã tăng nhanh cả về định tính và định lượng, với nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ trong nhận thức, cách tính, ngưỡng an toàn, hiệu quả quản lý và sử dụng nợ công liên quan đến chính sách về an ninh tài chính quốc gia…
Chưa thể an tâm với nợ công
Mặc dù tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội (chiều ngày 10 và sáng ngày 11/6), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, nợ công của Việt Nam chưa đáng lo ngại, nhưng rõ ràng là gánh nặng nợ công đã và đang tăng nhanh cả về quy mô, dịch vụ và điều kiện nợ. Chỉ cần phân tích số liệu của Bộ Tài chính cũng có thể thấy, tốc độ và quy mô nợ công của Việt Nam đã tăng nhanh trong những năm gần đây. Cụ thể, vào thời điểm 31/12/2009, tổng nợ nước ngoài, gồm nợ nước ngoài của Chính phủ và nợ do Chính phủ bảo lãnh mới chỉ là 27,929 tỷ USD (tương đương với khoảng 479,5 ngàn tỷ đồng); trong đó nợ nước ngoài của Chính phủ là trên 23,9 tỷ USD. Tuy nhiên, với việc nâng mức bội chi ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2013 từ 4,8% lên 5,3% GDP, thì đến cuối năm 2013, nợ công đã đạt tới 56,2% GDP, dư nợ Chính phủ là 42,6% GDP và dư nợ quốc gia là 39,5% GDP. Theo tờ báo Anh Economist, so với năm trước, nợ công của Việt Nam đã tăng 11,2% trong năm 2013 và dự báo sẽ tăng gần 15% trong năm 2014.
Theo kế hoạch vay và trả nợ năm 2014 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm nay, Chính phủ sẽ dành gần 209.000 tỷ đồng để trả nợ, bao gồm trả gần 160.000 tỷ đồng nợ trong nước, trong đó, phần chi trả nợ trực tiếp từ nguồn ngân sách là hơn 92.000 tỷ đồng và thực hiện vay mới để đảo một phần nghĩa vụ nợ đến hạn; trả nợ nước ngoài là hơn 49.000 tỷ đồng…
Ngày 8/11/2011, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, theo đó, đến năm 2015, nợ công không quá 65% GDP, dư nợ của Chính phủ không quá 50% GDP, dư nợ quốc gia không quá 50% GDP. Tuy nhiên, đây mới chỉ tính đến nợ công không có nợ của các doanh nghiệp (DN) Nhà nước tự vay, tự trả… Trong năm 2011 từng có chuyện bên cho vay đòi Chính phủ Việt Nam trả 600 triệu USD tiền nợ bảo lãnh của Vinashin khi tập đoàn này phá sản. Và đến cuối năm 2013, Bộ Tài chính đã phải bảo lãnh một đợt phát hành trái phiếu khác để đảo nợ cho Vinashin.
Đồng thời, cũng có thể thấy nguyên nhân làm tăng nợ công ngày càng đa dạng gắn với tốc độ tăng nợ nhanh cùng với thâm hụt ngân sách các cấp, nợ đọng xây dựng cơ bản của chính quyền địa phương và nợ của khối DN Nhà nước mà Chính phủ có nguy cơ phải đứng ra trả nợ thay. Trong khi đó, nguồn thu ngân sách hiện đang gặp nhiều áp lực cả về khách quan và chủ quan. Cả nước hiện còn khoảng 400.000 DN đang hoạt động, 70% không có lãi; 50% DN FDI báo lỗ; khoảng 2/3 số DN nhỏ và vừa đang ở tình trạng hết sức khó khăn về nợ xấu, hàng tồn kho, điều kiện tiếp cận vốn và duy trì lợi nhuận kinh doanh. Và để hỗ trợ DN, Nhà nước đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nới lỏng tài chính, giảm thuế, tiền thuê đất và các hỗ trợ khác. Trong khi đó, nhiệm vụ chi NSNN ngày càng tăng do nhiệm vụ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng…
Bám sát chuẩn quốc tế chung
Những phân tích trên cho thấy, để kiểm soát tốt nợ công, trước hết cần có những điều chỉnh thích hợp cả trong nhận thức và cách tính nợ công bám sát những chuẩn quốc tế chung. Đặc biệt, cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền, quán triệt nhận thức và trách nhiệm về vay và trả nợ công, không để tình trạng coi nợ công là không của ai cả và không ai chịu trách nhiệm. Trong khi chưa áp dụng cách tính chính thức bao gồm cả những khoản nợ của các DN Nhà nước tự vay, tự trả, các cơ quan chức năng liên quan cũng cần có những kịch bản chủ động chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất. Bên cạnh đó, vấn đề cấp thiết hiện nay là cần có cơ chế công khai minh bạch và thống nhất một đầu mối thông tin và quản lý nợ công, có sự phân cấp và định vị rõ ràng, cụ thể, trách nhiệm thông tin...
Ngoài ra, cũng rất cần sớm triển khai, thúc đẩy tái cơ cấu nợ theo hướng giảm dần nợ nước ngoài và tăng nợ trong nước để giảm sự phụ thuộc, chủ động hơn trong việc vay nợ; phát triển thị trường mua - bán nợ công có sự tham gia một số công ty mua bán nợ của Nhà nước và một số tổ chức kinh tế ngoài Nhà nước... Đặc biệt, trong thời gian tới, phải đổi mới mô hình tăng trưởng và công tác kế hoạch, tăng cường phân cấp, tái cấu trúc và quản lý hiệu quả đầu tư công theo hướng vừa tôn trọng tính năng động, trách nhiệm trong tự phát triển của địa phương và sự phát triển tổng thể nền kinh tế, vừa tăng cường hơn vai trò tổng cân đối chung của Chính phủ; giảm bớt chức năng "Nhà nước kinh doanh", giảm quy mô đầu tư và tỷ trọng đầu tư công, nâng cao kỷ luật tài khóa, nâng cao hiệu quả đầu tư công…
Kinhtedothi - Sau khi đưa vào sử dụng, đường Vành đai 3 trên cao (sử dụng vốn ODA) đã góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh thông thương giữa các tỉnh với TP Hà Nội. Ảnh: Hùng Huy |