Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiểm soát sản phẩm động vật lưu thông: Còn nhiều kẽ hở

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc nhập động vật, sản phẩm động vật từ các tỉnh, thành tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, mất an toàn thực phẩm (ATTP). Trong khi đó, công tác kiểm soát sản phẩm này vẫn còn nhiều khó khăn chưa được tháo gỡ.

Nhiều cách lách luật
Trung bình mỗi ngày, Hà Nội tiêu thụ khoảng 900 tấn thịt gia súc, gia cầm (GSGC), trong khi sản xuất tại chỗ mới chỉ đáp ứng được trên 60% tổng sản lượng, số còn lại phải nhập từ các tỉnh khác. Hà Nội còn tiếp giáp với 8 tỉnh, là đầu mối của nhiều tuyến đường giao thông, hàng ngày lượng xe chở động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn rất lớn, khiến việc kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh gặp không ít khó khăn.
Các địa phương chủ động phòng chống, kiểm soát dịch ngay ban đầu. Ảnh: Phương Nga
Ngoài ra, từ tháng 7/2016, Luật Thú y có hiệu lực, quy định chỉ thực hiện kiểm dịch đối với động vật, sản phẩm động vật xuất tỉnh; đồng thời bỏ quy định kiểm dịch theo số lượng, khối lượng. Sau hơn 2 năm triển khai, quy định này đang gây nhiều khó khăn cho cơ quan thú y trong kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y và quản lý ATTP, cũng như phòng chống dịch bệnh trên địa bàn của TP, tạo nhiều kẽ hở cho gian thương hoạt động.

Cụ thể như các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh nhỏ lẻ được vận chuyển, kinh doanh không bao gói và nhãn hàng hóa, khi phát hiện lô hàng động vật hay sản phẩm động vật vận chuyển không có giấy chứng nhận kiểm dịch, nhưng chủ hàng khai báo nguồn gốc trong tỉnh, thú y không có cơ sở kiểm tra do không phân biệt được sản phẩm đó trong hay ngoài TP.

Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Phú Thọ Nguyễn Tất Thành cho biết, việc bỏ kiểm dịch nội tỉnh đồng nghĩa với buông lỏng quản lý cả hai khâu quan trọng là kiểm soát lưu thông và kiểm soát giết mổ. “Hàng năm Phú Thọ xuất một lượng lớn GSGC về Hà Nội, bên cạnh các sản phẩm được cấp giấy kiểm dịch, vẫn tồn tại nhiều vụ việc vận chuyển giết mổ nhỏ lẻ, tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng” - ông Thành nói.

Việc bỏ kiểm dịch nội tỉnh cũng gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong kiểm tra, kiểm soát tại các cơ sở giết mổ, sơ chế, bảo quản kinh doanh động vật, sản phẩm động vật. Trạm trưởng Trạm Thú y Thường Tín Dương Văn Tĩnh cho hay: “Do bỏ kiểm dịch nội tỉnh, sản phẩm vào các bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn huyện không yêu cầu kiểm dịch của lực lượng thú y, nên việc quản lý tận gốc vệ sinh ATTP đang tạo ra nhiều kẽ hở cho các cơ sở hoạt động bất hợp pháp đối phó với cơ quan chức năng”.

Từng bước tháo gỡ

Để khắc phục tình trạng này, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, Hà Nội đã tăng cường phối hợp với lực lượng thú y của 24 tỉnh, thành trong việc thúc đẩy xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, quy hoạch hoàn thiện cơ sở giết mổ tập trung thực hiện kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, nâng cao tỷ lệ sản phẩm động vật có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển vào Hà Nội. Việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh mang lại nhiều lợi ích cho người chăn nuôi, tạo thuận lợi cho công tác quản lý dịch bệnh và vận chuyển giết mổ cho lực lượng chức năng của các tỉnh, TP. Cùng với đó, thường xuyên trao đổi thông tin về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật giữa các tỉnh, TP.

Mặt khác, đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển chăn nuôi, đồng thời gắn với quy hoạch giết mổ, chế biến GSGC trên địa bàn TP theo mô hình chuỗi liên kết sản phẩm. Hướng dẫn các DN xây dựng chuỗi liên kết từ chăn nuôi, giết mổ đến chế biến tiêu thụ sản phẩm để tạo sản xuất khép kín. Quản lý và thực hiện nghiêm túc quy trình kiểm soát giết mổ và các cơ sở giết mổ được các cấp chính quyền cho phép. Đăng ký mã vùng, mã vạch để truy xuất nguồn gốc, chịu trách nhiệm sản phẩm. Song song với đó, cần nâng cao nhận thức của người chăn nuôi, hộ kinh doanh và cả người tiêu dùng, qua đó mới đảm bảo được vệ sinh thú y, ATTP.