Nghĩa là bóng đá Việt sẽ có thêm nguồn thu. Nhưng quan trọng hơn, người ta đã nhìn thấy con đường đi lên phía trước khi tự biết đa dạng nguồn thu của bóng đá. Không phải là đại gia ở V - League nhưng Thanh Hóa luôn được đánh giá cao về sự ổn định tài chính và mô hình hoạt động. Hàng chục doanh nghiệp địa phương dưới sự ủng hộ của lãnh đạo tỉnh cùng san sẻ trách nhiệm nuôi đội bóng. Và thực tế là với chiến lược xây dựng đội bóng của cộng đồng, Thanh Hóa đang trở thành mô hình điểm của bóng đá chuyên nghiệp thời kỳ quá độ. Các chuyên gia bóng đá của Nhật Bản nói rằng, muốn ổn định, các đội bóng phải đa dạng nguồn thu. Họ không được phép phụ thuộc vào một doanh nghiệp nào đó bởi nếu có biến cố, đội bóng sẽ bị giải thể. Nếu xét theo tiêu chí này, Thanh Hóa gần với mô hình chuẩn của bóng đá Nhật hơn cả. Cũng chính vì sự thành công của mô hình Thanh Hóa mà nhiều đội bóng ở V - League đã đến học hỏi kinh nghiệm. Ngay cả BTC giải V - League cũng đã thay đổi cách tiếp cận vấn đề khi quyết định gắn bó với nhiều nhà tài trợ thay vì phó thác trọng trách cho một nhà tài trợ độc quyền. Chẳng thế mà ngoài nhà tài trợ chính Toyota, BTC V - League đã huy động được khoảng 10 nhà bảo trợ với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Các nhà bảo trợ này sẽ giúp V - League hoàn thành được mục tiêu đa dạng nguồn thu, đồng thời, mở ra một hướng đi mới. Ai cũng bảo, giá trị thương quyền của bóng đá vô cùng lớn. Thậm chí, người ta ví bóng đá là một mỏ vàng. Thế nhưng, để đưa vàng lên mặt đất cần có sự sáng tạo của con người và lâu nay, bóng đá Việt Nam chưa học được cách khai thác thế mạnh của mình. Họ thường quen với khái niệm xin - cho thay vì hợp tác cùng có lợi. Vậy nên, sự khó khăn của nền kinh tế đã buộc những người làm bóng đá phải năng động hơn trong việc tìm kiếm nguồn tiền nuôi bóng đá. Rất mừng là cái khó đã ló cái khôn và hướng đi của BTC giải V - League cũng là bài học cho nhiều đội bóng vốn đang gặp khó trong nhiệm vụ tìm tiền nuôi bóng đá.