Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiếm tiền tỷ ở Việt Nam nhờ những ý tưởng “không giống ai”

Theo Dân Trí
Chia sẻ Zalo

Chắc hẳn, ít ai nghĩ rằng việc nhặt lá tre, đeo kính cho gà hay đi bán cá kho lại có thể đem về thu nhập cả tỷ đồng. Bỏ mặc ngoài tai mọi sự rèm pha, vượt qua sự cản trở của gia đình, nhiều người đã làm giàu bằng những cách độc, lạ không lẫn với bất cứ ai.

Cho gà... đeo kính, thu về 3 tỷ đồng
Ở trang trại của anh Nguyễn Viết Tư (xóm Quang Nhân, xã Quang Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) có đến hàng nghìn con gà, nhưng 100% đều được "đeo kính" trông rất lạ. Nhìn thoáng qua, cứ tưởng đây là giống gà mới với chiếc mào khác thường, nhưng thực chất chỉ là cái kính bằng nhựa được chủ trang trại đeo vào.
 Hàng nghìn con gà trong trang trại của anh Tư đều được “đeo kính”. (Ảnh: Internet)
Anh Tư cho biết: Trước đây, gà của anh thường bị trọc lông vùng lưng, cổ, đầu,… do chọi nhau, khiến gà chậm lớn. Trong một lần tình cờ xem trên ti vi có người "đeo kính" cho gà để tránh gà chọi nhau, anh liền tìm đến tận nơi học hỏi. Sau đó, anh đặt mua gần 10 nghìn chiếc về áp dụng vào trang trại của mình.
Chiếc kính đeo vào trông y hệt chiếc mào, có tác dụng che tầm nhìn thẳng của gà nhưng không ảnh hưởng đến việc ăn uống của chúng. Vì đã có kính nên gà không bao giờ chọi nhau. Con nào con nấy đều có bộ lông đẹp, giảm tính hiếu động, nhanh lớn.
Mỗi chiếc kính có giá 700 đồng có thể sử dụng trong nhiều năm liền. Mỗi năm, anh Tư xuất được 40 tấn gà thịt với giá khoảng 75.000 - 80.000 đồng/ kg, tính ra trang trại có doanh thu khoảng 3 tỷ đồng.
Thi thoảng, có những con gà hiếu động, bị lệch kính khiến anh Tư phải chỉnh lại. Anh đeo kính cho gà bằng cách xâu khuy bằng thép qua mũi gà, phía trên có gọng bằng nhựa ôm chặt chiếc mỏ. Anh Tư cho biết thêm, khi gà đạt khoảng 4 lạng sẽ tiến hành "đeo kính".
“Kẻ tâm thần” buôn lá tre
Có rất nhiều cách để làm giàu, thế nhưng nhặt lá tre để trở thành tỷ phú thì xưa nay quả là chuyện hiếm. Bà Đặng Thị Triệu (xã An Phú, Mỹ Đức, Hà Nội) chính là người phụ nữ đặc biệt với cách làm giàu chẳng giống ai này. Đã có thời gian bà bị người đời gọi là “kẻ tâm thần nhặt lá".
 Những chiếc lá tre tưởng chừng không có giá trị nhưng lại làm nên cơ đồ. (Ảnh: vietnamnet)
Năm 1992, người phụ nữ ấy bắt đầu đi nhặt lá ở ven các con đường nhỏ hoặc trong rừng trúc. Tiếp đó, bà vay 500.000 đồng tiền khởi nghiệp của Hội Phụ nữ xã rồi đi khắp các nơi để thu mua lá tre, thậm chí lên tận vùng Phú Thọ, Yên Bái, Hà Giang. Nhiều lúc, lá tre chất đầy nhà không có lối đi.
Tiếp đó, bà Triệu đến tận cơ sở thu mua lá tre ở Phú Thọ, học hỏi công nghệ sấy khô, ép lá bằng máy, bí quyết làm lá đủ độ dai mà không bị mốc. Sau đó, ngày đêm bà chạy vạy vay tiền để mua thiết bị máy móc. Thậm chí, bà còn mời 1 kỹ sư về nhà nuôi cơm hàng ngày và nhờ người này dạy cách chế lá tre sao cho đạt hiệu quả cao.
Bà Triệu cho biết, lá tre phát triển tốt nên chẳng mấy khi thiếu hàng. Hiện nay, giá thu mua lá tre khô là 30.000 đồng/kg; lá tre tươi là 7.000 đồng/kg. Lá được chia làm hai loại: loại A dài 45 cm, ngang 10 cm; loại B dài 40 cm, ngang 8 cm. Lá thành phẩm yêu cầu phải to bản, lành lặn, chỉ đốm hay rách một tí là coi như vứt.
Hiện giờ, trung bình mỗi vụ bà Triệu xuất đi 100 - 200 tấn lá tre sang nước ngoài. Ngoài ra, bà còn tạo công ăn việc làm cho hơn 20 bà con trong làng xã và hàng trăm người ở những tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái… Mỗi chuyến lá tre xuất sang nước ngoài, bà Triệu thu về hàng tỷ đồng.
Bỏ nghề kỹ sư, bán cá kho thu tiền tỷ
Anh Nguyễn Bá Toàn (sinh năm 1982) vốn tốt nghiệp Đại học Giao thông Vận tải. Ra trường với một công việc tốt, nhưng vì “máu” đam mê kinh doanh quá lớn, anh vẫn quyết tâm từ bỏ công việc kỹ sư để đi… bán cá kho, mặc sự phản đối của gia đình.
 Những niêu cá kho đã giúp anh Toàn kiếm tiền tỷ. (Ảnh minh họa)
2 tháng đầu tiên, không một khách nào đặt mua. Từ người nhận lương tháng 10 triệu đồng, anh Toàn bỗng nhiên tay trắng, thậm chí còn bị âm một khoản tiền. Anh trăn trở, nhiều bữa quên cả ăn, râu mọc dài không thèm cạo. Thấy vậy, em gái Toàn liền động viên và cùng nhau tính toán, bàn bạc đưa ra giải pháp về giá cả, bảo quản chất lượng, thiết kế bao bì cho đến cách cách quảng bá đặc sản cá kho.
Thế rồi dần dần, việc buôn bán cũng khấm khá hơn. Những cuộc điện thoại dày đặc, những lần khách đặt hàng không kịp giao,… chưa đầy 4 tháng bán cá kho, số lượng khách của anh Toàn đông gấp mấy chục lần.
Chỉ riêng tháng Tết, trung bình mỗi ngày có đến hơn 50 khách đặt hàng. Có buổi, 12 giờ đêm anh Toàn vẫn rong ruổi trên các con đường Hà Nội để giao cá cho khách. Khi ấy, anh phải liên hệ thêm 5 gia đình ở Vũ Đại cùng nấu cá, đồng thời thuê thêm 3 nhân công chuyên giao hàng.
Một nồi cá kho có giá khá cao. Nồi loại 1kg cá tươi có giá 400.000 đồng, nồi 4kg giá đến 1 triệu đồng… Vào dịp Tết, số đơn hàng mỗi ngày của anh Toàn lên đến mấy trăm nồi. Chỉ riêng bán cá kho, doanh thu một năm của anh chàng trẻ tuổi này đã lên đến 5 tỷ đồng.
Vua chim xứ Bắc
Sinh ra tại Lý Nhân (Hà Nam), anh Trần Nhữ Giáp ban đầu làm việc trong một doanh nghiệp ở Hà Nội. Nhưng khi thu nhập không đáp ứng được cuộc sống hàng ngày, chàng trai trẻ quyết chí về quê theo đuổi niềm đam mê nuôi chim cảnh.
Khởi đầu bằng 40 triệu đồng tích cóp và vay mượn thêm từ bạn bè, anh Giáp mua mấy đôi chim công, trĩ về nuôi. Trước quyết định đó, gia đình và vợ anh kịch liệt phản đối, bởi bao năm ăn học đàng hoàng cuối cùng lại quay về làm anh nông dân.
Những con chim công quý trong trang trại của anh Giáp. (Ảnh: danviet) 
Những năm đầu, do chưa hiểu biết nhiều về đặc tính của loài chim này, chưa nắm vững kỹ thuật nuôi, sinh sản... nên chim chết nhiều, có thời điểm mất hàng trăm triệu đồng. Không nản chí, anh Giáp tiếp tục vay mượn tiền bạc rồi dấn thân học nghề, lăn lộn hàng tháng trời bên Thái Lan, Malaysia, Lào... để học hỏi, tìm hiểu các mô hình nuôi chim ở xứ người.
Sau bao công sức, anh đã nhân giống thành công hàng vạn con chim trĩ đỏ. Thành quả này của anh đã góp phần đưa chim trĩ ra khỏi danh sách động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam. Thừa thắng xông lên, anh tiếp tục nhân giống nhiều loài chim quý khác trong điều kiện không có tài liệu cụ thể nào về quy trình kỹ thuật nuôi các loài này.
 Các giống chim, gà quý của Việt Nam đều được chăm sóc rất cẩn thận. (Ảnh: vietnamnet)
Cũng tại trang trại của anh, các loại chim trĩ Hoàng đế, những con chim Lạc hồng - loài chim quý đặc hữu ở Việt Nam được mô phỏng trên trống đồng Đông Sơn, sâm cầm, hắc hạc, các loại chim công, gà lôi... đã từ từ “bước ra ngoài Sách Đỏ Việt Nam”.
Ông “vua chim xứ Bắc” cho biết, khoảng 50% số chim trong trang trại như chim trĩ, vịt trời… được anh nuôi làm thương phẩm, cung cấp ra thị trường. Số còn lại là những dòng rất quý của Việt Nam như vịt uyên ương, gà lôi trắng, gà lôi mào lưng lửa hay những loài có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng như vẹt, hồng hạc, hắc hạc, được nuôi để bảo tồn chứ không bán, dù chăm sóc chúng rất tốn kém.