Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiếm tiền tỷ từ nuôi gà trắng

Nguyễn Thủy (Hội Nông dân TP Hà Nội)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ động, sáng tạo trong tư duy phát triển kinh tế, sẵn sàng giúp đỡ, tạo việc làm cho những lao động khó khăn có thu nhập ổn định, tích cực tham gia các phong trào của địa phương. Đó là những lời nhận xét trìu mến của đông đảo bà con Nhân dân thôn Thanh Nê, xã Thanh Bình (huyện Chương Mỹ) khi nói về anh Nguyễn Văn Tập (SN 1973), hội viên sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu nhiều năm liền.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nông, anh Tập thấu hiểu được những khó khăn, vất vả của công việc đồng áng “một nắng hai sương'' của người nông dân. Mặc dù không được đào tạo bài bản về chuyên môn nhưng với tinh thần nỗ lực vươn lên, tự học hỏi trau dồi kinh nghiệm không ngừng, anh Tập đã quyết tâm lựa chọn, đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi gia cầm để phát triển kinh tế.

Chia sẻ về những ngày đầu lập nghiệp, anh Tập cho biết, năm 2002, anh đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi gà trắng tại khu vực quy hoạch của xã, quy mô 6.000 con/lứa. Những năm đầu do bản thân chưa có kinh nghiệm, cùng với đó là sự tác động của giá cả thị trường không ổn định, các hộ xung quanh cũng đầu tư xây dựng trang trại, mật độ trang trại tăng; dịch bệnh liên tiếp xảy ra, việc chăn nuôi của gia đình gặp vô vàn khó khăn, có lứa gà anh Tập thua lỗ hàng trăm triệu đồng. Nhiều ngày đêm trăn trở làm sao để vượt khó, anh Tập đã phải thế chấp ngân hàng thửa đất ở của gia đình, vay mượn của người thân, bằng hữu để có vốn tiếp tục tái đàn, chăn nuôi.

 Anh Nguyễn Văn Tập, ở thôn Thanh Nê, xã Thanh Bình (huyện Chương Mỹ) bên trại chăn nuôi gà trắng của gia đình. Ảnh: Nguyễn Thuỷ

Với lòng kiên trì, ý chí quyết tâm vươn lên làm giàu, sự ham học hỏi, cần cù chịu khó, anh Tập dần khắc phục được các "lỗ hổng" trong chăn nuôi, ngày càng mở rộng quy mô sản xuất. Ngoài trang trại ở địa phương, đến nay anh Tập còn thuê đất và xây thêm được 10 trang trại để chăn nuôi gà ở xã Đồng Lạc (huyện Chương Mỹ), xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn và xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy (tỉnh Hòa Bình). Với quy trình chăn nuôi khép kín hiện đại, mật độ 160.000 con/lứa, các trang trại của anh Tập đang đạt mức doanh thu 2,5 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, còn tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động, với mức thu nhập ổn định 7 triệu đồng/người/tháng.

Nhiều năm liền anh Tập được huyện, TP tặng thưởng danh hiệu hộ sản xuất kinh giỏi. Năm 2020 anh Tập đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương. Theo anh Tập, có được kinh tế ổn định như ngày hôm nay, anh và gia đình đã cố gắng không mệt mỏi trong lao động, sản xuất để tích lũy kinh nghiệm, mở rộng quy mô trang trại. Đặc biệt là mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi.

Không tự mãn những tựu thành đã đạt được, anh Tập luôn tự nhủ phải nỗ lực làm giàu, phát triển kinh tế hơn nữa để bản thân thật vững vàng, gia đình có cuộc sống đầy đủ mới có thể giúp đỡ được nhiều bà con xung quanh. Chẳng vậy mà anh Tập luôn sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm trong chăn nuôi của mình cho nhiều hội viên nông dân ở địa phương để cùng nhau phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Tập luôn gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; hoàn thành nhiệm vụ được Hội Nông dân xã giao. Nhất là luôn đi đầu gương mẫu trong các phong trào của địa phương và công tác thiện nguyện như: Tặng quà cho người cao tuổi trong thôn; trao tặng quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; tham gia công đức để tôn tạo các công trình, di tích lịch sử tại địa phương… với tổng số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Tập xứng đáng là tấm gương điển hình trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi của xã Thanh Bình nói riêng và huyện Chương Mỹ nói chung. Tấm gương của anh là động lực để các hội viên nông dân trên địa bàn phấn đấu phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu bằng đôi bàn tay và khối óc của chính mình.