Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiểm toán sẽ đảm bảo minh bạch các dự án PPP

Yến Dư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại phiên thảo luận sáng 19/11, dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đã nhận được nhiều ý kiến bàn thảo, đặc biệt về quy định chỉ kiểm toán đối với phần vốn Nhà nước.

Đảm bảo lợi ích các bên
Phát biểu tại phiên thảo luận sáng 19/11, Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn TP Hà Nội cho rằng, việc áp dụng đầu tư PPP ở Việt Nam mặc dù là đã muộn nhưng vẫn kịp thời nếu được triển khai hiệu quả, binh bạch.
Điều quan trọng hiện nay là làm sao để ban hành được một bộ luật về lĩnh vực này với những điều khoản, quy định cụ thể, khoa học, tránh những bất cập điển hình như cách thức, thời gian và mức thu phí trong các dự án BOT.
“Dự thảo luật phải có những quy định rõ ràng, vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân, không gây thiệt hại cho Nhà nước mà vẫn tạo ra được sự cạnh tranh lành mạnh, thu hút các nhà đầu tư” - ông Trí nhấn mạnh.
 Nguyễn Anh Trí - Đoàn đại biểu QH Hà Nội phát biểu.
Cũng liên quan đến nội dung trên, Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - đoàn TP Hà Nội bày tỏ sự băn khoăn về cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và DN tư nhân. Theo bà Mai, khi nói đến PPP là nói đến hợp đồng, sự tự nguyện, thỏa thuận giữa nhà nước và chủ đầu tư.
Đó là cơ chế lời ăn lỗ chịu đúng theo nguyên tắc thị trường. Dự thảo luật vừa xây dựng cho phép chủ đầu tư tăng phí, tăng giá dịch vụ, hoặc kéo dài thời hạn thu phí, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người dân.
Mặt khác, cơ chế này tác động trực tiếp đến ngân sách nhà nước, bởi lẽ Dự thảo luật quy định các dự án được chia sẻ rủi ro là những dự án quy mô lớn, trọng điểm, nhà nước chia sẻ 50% rủi ro thì chia sẻ bằng hình thức nào, lấy nguồn ở đâu? Khi tác động đến nợ công thì sẽ xử lý như thế nào?
Bên cạnh đó, Về hoạt động Kiểm toán nhà nước trong đầu tư theo phương thức PPP, Điều 80, Dự thảo luật quy định: “Kiểm toán nhà nước thực hiện việc kiểm toán về sử dụng tài chính công, tài sản công trong dự án PPP quy định tại Điều 65 và Điều 67 của luật này”.
“Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán đầu tư công mà không phải toàn bộ dự án là bất cập vì không thể xác định toàn bộ rủi ro của dự án nếu chỉ kiểm toán một phần vốn dự án” - bà Mai phân tích.
Kiểm toán toàn bộ dự án PPP để minh bạch
Quy định về Kiểm toán các dự án PPP cũng thu hút được ý kiến bàn thảo sôi nổi của nhiều đại biểu. Đại biểu Hoàng Quốc Thưởng – đoàn tỉnh Hải Dương nhận định, Dự thảo Luật đầu tư PPP mới chỉ quy định thực hiện kiểm toán đối với phần vốn Nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng và phần vốn xây dựng công trình phụ trợ, bồi thường, tái định cư.
Còn toàn bộ giá trị xây lắp và phương án tài chính, thu phí không được kiểm toán. Ông Thưởng băn khoăn: “Vậy cơ quan nào sẽ giúp Quốc hội kiểm soát vấn đề này?”.
Đại biểu Hoàng Quốc Thưởng phân tích, tại các dự án PPP, Nhà nước không trực tiếp trả kinh phí cho nhà đầu tư, thay vào đó cho phép nhà đầu tư được thu phí từ cá nhân, tổ chức sử dụng kết cấu hạ tầng với mức thu và thời hạn thu do Nhà nước quy định hoặc trả bằng giá trị quyền sử dụng đất.
Chi phí đầu tư là cơ sở xác định thời gian, mức thu phí đối với dự án, vì vậy nếu không kiểm tra, giám sát chi phí đầu tư thì làm sao xác định được thời gian thu phí, mức thu phí đối với công trình là phù hợp?
“Vừa qua, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm thời gian thu phí đối với nhiều dự án giao thông, dự án BOT, giảm thất thoát ngân sách hàng nghìn tỷ đồng. Kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước được dư luận rất đồng tình, ủng hộ” – ông Thưởng nêu ví dụ.
Đồng quan điểm, Đại biểu Hà Thị Lan - đoàn tỉnh Bắc Giang cho rằng, kiểm toán chỉ giúp hiệu quả đầu tư cao hơn, không làm ảnh hưởng đến sự thu hút đầu tư tư nhân, đồng thời công tác quản lý đầu tư cũng được thực hiện minh bạch, đúng pháp luật hơn.
“Kiểm toán nhà nước phải kiểm toán đối với toàn bộ dự án PPP và công khai kết quả kiểm toán theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước hiện hành” - bà Lan nhấn mạnh.