Theo báo cáo của UBND huyện Phúc Thọ, toàn huyện có 1.978 cơ sở thực phẩm. Trong Tháng hành động vì ATTP, huyện thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành; các xã, thị trấn, mỗi đơn vị thành lập 1 đoàn kiểm tra. Ngoài ra, các đơn vị như Công an huyện, Đội Quản lý thị trường số 20 thực hiện kiểm tra, kiểm soát ATTP các loại thực phẩm lưu thông trên địa bàn.
Kết quả, các đoàn của huyện đã kiểm tra 50 cơ sở, trong đó có 48 cơ sở đạt yêu cầu, phát hiện 2 cơ sở vi phạm và xử phạt hành chính với số tiền 4 triệu đồng.
Qua kiểm tra cơ sở sản xuất kinh doanh gà ủ muối Hoàng Thị Thu Hằng (xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ), Đoàn kiểm tra số 1 của TP lưu ý, cơ sở cần tăng cường các biện pháp phòng, chống côn trùng và động vật gây hại xâm nhập. Ngoài ra, với các loại gia vị được sang chiết, nạp, đóng gói lại phải dán nhãn mác ghi thông tin đầy đủ hạn sử dụng.
Tại huyện Đan Phượng, theo báo cáo của UBND huyện, địa bàn có 1.935 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Triển khai Tháng hành động vì ATTP, huyện thành lập 17 đoàn kiểm tra, giám sát. Trong đó, 1 đoàn tuyến huyện và 16 đoàn tuyến xã, thị trấn. Các đoàn đã kiểm tra, giám sát 106 cơ sở, trong đó 102 cơ sở đạt, 4 cơ sở vi phạm và xử phạt hành chính với số tiền gần 15 triệu đồng.
Qua kiểm tra thực tế tại một siêu thị tại thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, Đoàn kiểm tra liên ngành của TP nhắc nhở, những sản phẩm do cơ sở mua về cần thể hiện rõ đầy đủ thông tin, nguồn gốc sản phẩm. Các sản phẩm đông lạnh cần bảo quản ở nhiệt độ theo đúng quy định. Khu sản xuất bánh có côn trùng, Đoàn đề nghị cơ sở cần có biện pháp khắc phục ngay tồn tại này cũng như hồ sơ pháp lý.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong yêu cầu các đoàn kiểm tra của 2 huyện tiếp tục tăng cường kiểm soát ATTP, đặc biệt tập trung kiểm tra hậu kiểm, kiểm tra đột xuất, xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực ATTP (nếu có).
Cùng với công tác kiểm tra, các đoàn cần tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc bảo đảm vệ sinh, ATTP.