Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiểm tra an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán: Đụng đâu, phát hiện vi phạm đó

Hải Lý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm kiểm soát chất lượng thực phẩm dịp Tết 2017, sáng 18/1, đoàn kiểm tra liên ngành về ATVSTP số 1 TP Hà Nội do Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Từ nay đến Tết Nguyên đán, công tác này tiếp tục được tăng cường.
Tràn lan vi phạm
Tại cơ sở Tân Toàn Phát (tổ dân phố Hoàng Hanh, phường Dương Nội, quận Hà Đông) chuyên sản xuất Cơm cháy chà bông đặc sản Ninh Bình, Hiệu lúa cây vàng, khi đoàn kiểm tra ập đến, toàn bộ công nhân đang sản xuất trong điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Nhiều công nhân tham gia công đoạn cuối là đóng gói thành phẩm nhưng không đeo găng tay, không dùng khẩu trang theo quy định. Xưởng sản xuất chật chội, nền nhà nhớp nước, cách bố trí nguyên liệu, thành phẩm lộn xộn, sản phẩm ăn trực tiếp nhưng nguyên liệu lại để bệt trên nền nhà hôi hám, ẩm thấp. Toàn bộ kho nguyên liệu, bao bì, kể cả thành phẩm đều không phân khu riêng mà để chung, vi phạm quy định ATTP. Ông Nguyễn Bá Toàn - chủ cơ sở cho biết, cơm cháy do cơ sở sản xuất được tiêu thụ tại một số hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội. Ngoài ra, sản phẩm cũng được xuất ra nhiều địa phương lân cận như Ninh Bình, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc...

Cơ sở Tân Toàn Phát sản xuất cơm cháy mất ATTP. Ảnh: Hải Lý

Ngoài sản xuất cơm cháy, tại xưởng sản xuất còn có hàng chục bao tải đựng bánh tráng tôm, kẹo me, bánh tai heo không nhãn mác. Lý giải về vấn đề này, ông Toàn bảo, đây là những sản phẩm của khách gửi, riêng kẹo me lấy nơi khác về nhưng không bán được. Còn sản phẩm kẹo dâu tây đặc sản Đà Lạt đã hết hạn 7 tháng nhưng vẫn được để trong kho, lẫn với các sản phẩm khác.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, bà Trần Thị Minh Phương – Phòng Kinh tế quận Hà Đông cho biết, cách đây hơn một tháng, Phòng Kinh tế đã đến thẩm định cơ sở này và phát hiện một vài lỗi nhỏ nên đơn vị vẫn cấp Giấy chứng nhận ATVSTP cho cơ sở. Tuy nhiên, khi kiểm tra thực tế, đoàn liên ngành số 1 của TP đã đình chỉ sản xuất của công ty này, yêu cầu công ty khắc phục vi phạm. Đoàn liên ngành cũng yêu cầu các cơ quan chức năng quận Hà Đông giám sát cơ sở sản xuất “siêu bẩn” này.
Đề cập đến công tác kiểm soát ATTP trên địa bàn quận, bà Lê Thị Thanh Bình – Trưởng Phòng Y tế quận Hà Đông cho biết, từ đầu tháng 1/2017 đến nay, các đoàn liên ngành của quận đã kiểm tra 20 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm (chủ yếu là các mặt hàng phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán), đã phát hiện 8 cơ sở vi phạm. Các lỗi vi phạm chủ yếu là điều kiện vệ sinh cơ sở không đảm bảo, nhân viên không khám sức khỏe, bao bì, nhãn mác ghi không đúng quy định. Các đoàn liên ngành cũng chưa phát hiện cơ sở nào vi phạm lớn buộc phải đình chỉ.
Trước đó, đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP TP do Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền làm trưởng đoàn cũng đã kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất nước giải khát của Công ty CP Thương mại Tân Tiến Phát (đội 7B, xóm Me Táo, xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức). Tại thời điểm kiểm tra, khu vực sản xuất và kho bảo quản không đảm bảo vệ sinh; khu vực sản xuất không có đủ thiết bị, biện pháp phòng chống côn trùng và động vật gây hại; không đảm bảo ATTP trong quá trình sản xuất; người sản xuất không mang đủ trang phục bảo hộ lao động. Sản phẩm sản xuất không đúng với hồ sơ công bố, vi phạm quy định về nhãn mác. Cơ sở có 22 công nhân đang làm việc nhưng chỉ có 8 người có hồ sơ khám sức khỏe và xác nhận kiến thức ATTP. Trước những vi phạm này, đoàn kiểm tra liên ngành đã đình chỉ hoạt động sản xuất của cơ sở này, tạm dừng lưu thông và tiến hành thu hồi toàn bộ lô sản phẩm vi phạm để tiêu hủy.
 Thủ đoạn tinh vi
Theo ông Nguyễn Việt Cường – Chánh Thanh tra Sở Y tế, trong những ngày Tết, lượng tiêu thụ hàng hóa nói chung, thực phẩm nói riêng sẽ tăng cao, vì vậy nguy cơ thực phẩm mất an toàn của các cơ sở sản xuất mùa vụ, cơ sở sản xuất “chui” rất lớn. Các mặt hàng mứt Tết, rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, giò chả… thường đưa ra thị trường vào những ngày cận Tết. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang tăng cường thanh tra, kiểm tra, tuy nhiên, cũng không loại trừ được các thủ đoạn tinh vi của người sản xuất, buôn bán, vận chuyển thực phẩm không an toàn “qua mặt” cơ quan chức năng. Mặt khác, nguy cơ tiềm ẩn mất ATTP ở ngay chính người tiêu dùng, khi ý thức về vấn đề ATTP chưa cao.
Đề cập đến vấn đề này, ông Hiền cho biết, dịp này, ngoài các đoàn kiểm tra liên ngành của các quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn, TP Hà Nội cũng đã tổ chức 6 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành VSATTP trước, trong dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân năm 2017. Điểm mới trong công tác thanh tra, kiểm tra VSATTP Tết năm nay, đó là Hà Nội đã đưa vào sử dụng 3 xe kiểm nghiệm ATTP chuyên dụng lưu động. “Tại mỗi điểm kiểm tra, chúng tôi sẽ lấy mẫu xét nghiệm nhanh thực phẩm để đưa ra những cảnh báo kịp thời tới người tiêu dùng” - ông Hiền thông tin.
Thực tế có một số đoàn kiểm tra chưa làm hết trách nhiệm của mình, hoặc cũng có thể do thiếu phương tiện, trình độ chuyên môn nên họ không thể kiểm tra một cách toàn diện được dẫn đến hiệu quả của công tác kiểm tra chưa cao. Tuy nhiên, Hà Nội đang quyết liệt triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về ATTP. Những đoàn liên ngành của TP kiên quyết xử nghiêm vi phạm, không bao che, dung túng, không có vùng cấm trong xử lý vi phạm.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội  Nguyễn Khắc Hiền