KTĐT - Thủ tướng Chính phủ vừa có các văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra một số thông tin báo nêu liên quan đến đời sống dân sinh, đồng thời yêu cầu báo cáo Thủ tướng kết quả xử lý trong tháng 1 và 2/2011.
Báo Đời sống và Pháp luật ngày 6/1/2011, đăng bài "Ăn Tết ở... chuồng trâu" phản ánh: Từ khi đường dây 220 KV Tuyên Quang-Thái Nguyên đóng điện, căn nhà của gia đình ông Nguyễn Văn Bình ở xã Hùng Cường, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã bị nhiễm điện nặng không thể ở được, khiến gia đình ông phải rời sang sống tạm và đón Tết trong chuồng trâu đã 3 năm nay.
Sự việc trên các cơ quan chức năng của tỉnh biết, đã lên tiếng đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên giải quyết, giúp gia đình ông Bình ổn định cuộc sống, nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý.
Về vấn đề trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu UBND tỉnh Thái Nguyên kiểm tra sự việc báo nêu trên, nếu đúng phải có biện pháp giải quyết kịp thời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 28/1/2011.
* Báo Người lao động ngày 1/1/201 đăng bài "Gái mại dâm vào trường đại học" phản ánh tình trạng gái mại dâm dùng nhiều mánh khóe, trà trộn vào trong các trường đại học và khu ký túc xá của sinh viên trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, dụ dỗ nam sinh viên có lối sống buông thả, không lành mạnh, thậm chí còn lừa gạt, ăn cắp máy tính xách tay, điện thoại di dộng, làm cho tình hình an ninh trật tự bị xáo trộn, phức tạp.
Về vấn đề trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TP. Hồ Chí Minh kiểm tra sự việc báo nêu trên, nếu đúng phải có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/1/2011.
* Ngày 29/12/2010, Báo Lao động đăng bài "Biệt thự vài chục tỷ phơi sương, hứng nắng" phản ánh: Tại Cụm chung cư An Sinh, Mỹ Đình 2, Từ Liêm, TP. Hà Nội, có vài chục căn biệt thự lớn được xây dựng xong phần thô từ 5 năm nay đang bị bỏ hoang, khiến cỏ, cây mọc um tùm, trong khi quỹ đất của Thành phố còn rất eo hẹp và nhiều người dân đang thiếu chỗ ở. Sự tồn tại của các biệt thự trên không chỉ lãng phí về quỹ đất mà còn thể hiện sự quy hoạch vô lối, làm bẩn bộ mặt đô thị và trở thành nơi tụ tập của những kẻ trộm cắp, nghiện hút, tạo điều kiện cho các tệ nạn xã hội phát triển.
Đối với vấn đề trên, Thủ tướng yêu cầu UBND TP. Hà Nội kiểm tra sự việc nêu trên, nếu đúng phải có biện pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/2/2011.
* Trên Báo Công an nhân dân ngày 8/1/2011 đăng bài: "Dự án bỏ hoang, dân không có đất sản xuất" phản ánh: Năm 2004, Sở Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp với Tổ chức Giao thông công chính, Quản lý nước Hà Lan thực hiện Dự án khu bảo tồn đất ngập nước của sông Ô Lâu tại hai huyện Phong Điền và Quảng Điền. Tuy nhiên đến nay, đã qua 7 năm, dự án này vẫn chưa triển khai được, khiến hàng trăm héc-ta đất canh tác do người dân hiến cho dự án bị bỏ hoang, trong khi người dân không có đất sản xuất, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn; hệ thống đê đập phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản ở đây do bị bỏ hoang đã hư hại nghiêm trọng.
Về vấn đề này, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế kiểm tra sự việc báo nêu trên, nếu đúng phải có biện pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/2/2011.
* Báo Nông nghiệp Việt Nam, ngày 30/12/2010, đăng bài: "Doanh nghiệp về làng và những cú ngã ngửa" phản ánh: Từ vài năm nay, người dân thôn Mi Cầu, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương phải sống chung với khói, bụi và nước thải độc hại thải ra từ Cụm công nghiệp Bình Giang. Nguyên nhân của sự ô nhiễm nghiêm trọng trên là do nhiều công ty trong Cụm công nghiệm chưa có hệ thống xử lý chất thải đúng tiêu chuẩn, đúng thiết kế và xả nước thải trực tiếp ra đồng ruộng, sông máng... Nhiều trường hợp các công ty đổ trộm chất thải đã bị các cơ quan chức năng bắt quả tang và xử phạt hành chính, thế nhưng đến nay, tình trạng này vẫn chưa được khắc phục.
Về vấn đề trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Hải Dương kiểm tra sự việc báo nêu trên, nếu đúng phải có biện pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/2/2011.
* Ngày 7/1/2011, trên báo Đại đoàn kết đăng bài: "Công ty Cổ phần xuất khẩu lao động Thương mại và Dịch vụ TTLC: Cố tình chiếm dụng vốn của người lao động" phản ánh: Theo đơn tố cáo của chị Nguyễn Thị Hiền, Thuận Thành, Bắc Ninh, tháng 3 năm 2010, chồng chị và nhiều lao động khác trong xã được Công ty cổ phần xuất khẩu lao động thương mại và dịch vụ TTLC (Cty TTLC) Chi nhánh Bắc Giang, có trụ sở chính tại phố Nguyễn Ngọc Nại, Khương Mai, Thanh Xuân, Hà Nội, tư vấn đi lao động tại Thụy Điển, với tổng số tiền mỗi lao động phải nộp khoảng 100 triệu đồng. Sau khi làm việc được 1 tháng tại Thụy Điển, do không có việc làm, Cty TTLC buộc phải đưa người lao động về nước trước thời hạn và thông báo về việc thanh lý hợp đồng, trả lại tiền đặt cọc, thế nhưng cho đến nay, phía Cty TTLC vẫn không giải quyết.
Đối với vấn đề trên, Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội kiểm tra sự việc báo nêu trên, nếu đúng phải có biện pháp xử lý, bảo đảm quyền lợi cho người lao động, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/2/2011.