Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiến nghị cho xây nhà ở giá rẻ diện tích từ 25 m2/căn

Chia sẻ Zalo

Sáng 5/11, tại Hà Nội, Tổng Hội Xây dựng Việt Nam phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ...

Sáng 5/11, tại Hà Nội, Tổng Hội Xây dựng Việt Nam phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội thảo với chủ đề “Cơ chế chính sách và giải pháp về nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị và khu công nghiệp”.

Dự báo đến năm 2020, nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp tại các đô thị là 1 triệu căn, trong khi hiện mới chỉ đáp ứng hơn 10.000 căn/năm. Tại các khu công nghiệp, chỉ 20% người lao động có chỗ ở ổn định, trong khi dự báo đến 2020, cần 33,6 triệu m2 nhà ở cho 4,2 triệu người.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Chính phủ đã ban hành có nhiều chính sách tạo điều kiện cho người thu nhập thấp mua, thuê mua nhà ở xã hội như hỗ trợ vay vốn theo gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…. Nguồn cung nhà ở xã hội vẫn còn hạn chế, giá bán khá cao, từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/căn, chỉ phù hợp với đối tượng người có thu nhập trung bình, trung bình khá. Đa số doanh nghiệp chưa quan tâm đến chỗ ở cho công nhân lao động mà chỉ chạy theo lợi nhuận trước mắt.

Tại hội thảo, các đại biểu kiến nghị cần thay đổi phương thức đầu tư nhà ở xã hội hoàn toàn theo cơ chế thị trường và tập trung hỗ trợ trực tiếp cho người mua. Doanh nghiệp đầu tư dự án như nhà ở thương mại, nhưng phải dành tỷ lệ % nhất định từ 20-50% tùy từng dự án theo quy hoạch để xây dựng nhà ở giá rẻ với diện tích nhỏ chỉ 25-45 m2/căn.

Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam nêu ý kiến: “Vấn đề quỹ đất dành cho xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp là rất khó, vì các khu trung tâm bây giờ hầu như không còn nữa, dự án mới đều phải ở rất xa, điều kiện hạ tầng và giao thông rất khó. Chúng tôi có kiến nghị Nhà nước cần phải nghiên cứu đặc biệt đối với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đó là đất ở các khu chung cư cũ cần xây dựng lại và đối xử như nhà ở xã hội. Có những khu rất lớn như khu Nghĩa Đô, Thanh Xuân, Thành Công, Giảng Võ, nếu dồn vào đó thì có thể dành một phần diện tích thích đáng cho người thu nhập thấp”.

Nhiều đại biểu nêu ý kiến về việc xem xét việc tổ chức các khu nhà ở công nhân tập trung bằng nhiều nguồn vốn ngoài nguồn ngân sách nhà nước, huy động nguồn vốn của doanh nghiệp đóng góp theo tỷ lệ số công nhân và kinh phí đóng góp của doanh nghiệp cũng như phân bổ vào giá thành sản phẩm.