Cũng theo ông Thăng, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam đã và đang diễn ra nhanh chóng dẫn đến có nhiều khác biệt về hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng giữa đô thị và nông thôn. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay về cơ bản giống nhau và vẫn dựa trên cách thức quản lý của chính quyền nông thôn. Chính quyền ở địa bàn đô thị cũng tổ chức cấp hành chính và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn như chính quyền nông thôn cùng cấp, đồng thời có thêm một số nhiệm vụ, quyền hạn quản lý trên địa bàn đô thị. Điều này dẫn đến nhiều vấn đề cấp thiết của đô thị chưa được giải quyết kịp thời và cũng chưa phù hợp với nguyên tắc kết hợp quản lý theo ngành và quản lý theo lãnh thổ. Từ thực trạng trên, cần thiết phải làm rõ sự khác biệt giữa đô thị và nông thôn, từ đó xác định rõ mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, cơ chế hoạt động phù hợp đối với chính quyền ở địa bàn đô thị và chính quyền ở địa bàn nông thôn. Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung phân tích làm rõ những vấn đề cơ bản về tổ chức chính quyền đô thị; tổ chức chính quyền đô thị trong tổng thể chính quyền địa phương hiện nay; đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng khi tổ chức chính quyền đô thị; những đặc trưng của đô thị và tổ chức chính quyền đô thị TP Hồ Chí Minh… Mặt khác, đặc thù đô thị Việt Nam hiện nay là trong đơn vị hành chính đô thị có đơn vị hành chính nông thôn trực thuộc; trong đơn vị hành chính nông thôn có đơn vị hành chính đô thị trực thuộc... Vì vậy, việc nghiên cứu, thiết kế mô hình tổ chức chính quyền đô thị phân biệt với chính quyền nông thôn cần nghiên cứu kỹ lưỡng các đặc thù này. Tuy nhiên, việc thiết lập chính quyền địa phương nói chung, chính quyền đô thị nói riêng cần nghiên cứu để kế thừa những yếu tố hợp lý của mô hình chính quyền địa phương theo Hiến pháp năm 1946, Sắc lệnh số 77 ngày 21/5/1945 quy định về chính quyền ở đô thị và Sắc lệnh số 63 ngày 22/11/1945 quy định về chính quyền nông thôn; nghiên cứu tổ chức chính quyền đô thị ở Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám, thời kỳ Pháp thuộc và từ năm 1945 đến nay, đồng thời có sự nghiên cứu, tham khảo mô hình chính quyền địa phương trên thế giới. Các đại biểu cũng đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp nhằm xây dựng tổ chức chính quyền đô thị phù hợp những chế định về chính quyền địa phương trong Dự thảo Hiến pháp đang được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính quyền, bảo đảm dân chủ, vì lợi ích của nhân dân và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước, góp phần hoàn thiện bộ máy Nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu quả.